“Tín dụng đen” – Một hình thức giao dịch dân sự bất hợp pháp và biện pháp phòng ngừa

267
Đánh giá bài viết

Trong thời gian gần đây, cụm từ “Tín dụng đen” đã không còn là khái niệm xa lạ trên các diễn đàn khoa học hay trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (C45) cho biết từ năm 2010 đến nay trên phạm vi cả nước đã phát hiện hơn 120 vụ vỡ nợ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…

Ảnh minh họa

Trong đó, “điển hình” là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như – Nguyên Trưởng phòng giao dịch, Ngân hàng Công thương Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã làm giả con dấu, chữ ký của Ngân hàng Công thương Chi nhánh Nhà Bè móc nối với cán bộ một số ngân hàng khác, các doanh nghiệp và đối tượng ngoài xã hội để huy động vốn, lừa đảo chiếm đoạt 4.600 tỷ đồng. Đây thực chất là vụ vỡ nợ “tín dụng đen” dạng mới mà nạn nhân là 4 ngân hàng và 33 tổ chức, cá nhân; vụ án bà Trương Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học phổ thông Dân lập Phương Nam, Hà Nội, với lý do huy động vốn đầu tư xây dựng trường học, 18 chủ nợ đã tố cáo số tiền bà Trương Thị Hải Yến đã vay của họ lên đến 268 tỷ đồng và 16 quyển sổ đỏ, người nhiều nhất là 140 tỷ, người ít nhất 700 triệu đồng; vụ án bà Lê Thị Thúy – Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hanh Thúy, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XV, số tiền mà bà Lê Thị Thúy vay của người dân Nam Sách (Hải Dương) là hơn 100 tỷ đồng, nhưng theo lời bà Thúy công bố với chủ nợ số tiền lên đến hơn 160 tỷ đồng. 

Như vậy, khái niệm tín dụng đen là gì? Bản chất của nó ra sao? Tuy thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi hiện nay, nhưng khoa học pháp lý vẫn chưa có khái niệm cụ thể. Có nhiều quan điểm khác nhau trong đó có quan điểm cho rằng: “Tín dụng đen (còn được gọi là tín dụng phi chính thức, tín dụng nặng lãi). Nhằm chỉ các dạng hoạt động tín dụng dân sự không qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức tín dụng chính thức, không đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép, không có quy định, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước nào”. Tuy nhiên, quan điểm trên chỉ khái quát phần nào mặt trái của “tín dụng đen”, một dạng tín dụng ngoài sự quản lý của Nhà nước, nhưng vẫn chưa lột tả hết sự thật của nó. Để làm rõ vấn đề này cần đặt “ tín dụng đen” tiếp cận từ quy định của pháp luật dân sự và giao dịch dân sự như sau: Trong các quy định của pháp luật dân sự không đề cập tới “tín dụng đen” là gì, hình thức và đặc trưng của nó ra sao. Mà pháp luật dân sự chỉ gián tiếp đề cập tới giao dịch dân sự. Vậy tại sao pháp luật dân sự lại không có quy định cụ thể về loại giao dịch “tín dụng đen”? giao dịch này nổi lên với đặc trưng lớn nhất là lãi suất cao. Nếu bỏ đặc trưng này thì giao dịch “tín dụng đen” lại là một quan hệ pháp luật dân sự bình thường như: Hợp đồng vay mượn, hụi, họ, cầm đồ…  Như vậy, hầu hết quan hệ tín dụng “đen” được che đậy dưới hình thức của các quan hệ dân sự. Mặt khác, đây lại là những giao dịch được pháp luật thừa nhận, quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự (BLDS) hiện hành. Do đó, “tín dụng đen” cũng là quan hệ chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, có thể thấy pháp luật dân sự Việt Nam còn có nhiều bất cập về các quy định trong quản lý loại hình tín dụng này. Trong BLDS có quy định cấm cho vay nặng lãi (khoản 3, Điều 479 BLDS) nhưng lại không đặt ra bất kỳ biện pháp chế tài nào đối với hành vi này. Trên thực tiễn, khi giải quyết tranh chấp án dân sự hoặc kinh doanh thương mại có liên quan đến việc cho vay lãi suất cao, Tòa án chỉ điều chỉnh lại mức lãi suất cho đúng quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của bên đi vay mà không có biện pháp chế tài nào khác. Xét giao dịch “tín dụng đen” dưới góc độ giao dịch dân sự thì giao dịch này có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, tại Điều 121 BLDS Việt Nam hiện hành chỉ quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Ở đây “tín dụng đen” là một loại huy động và cho vay vốn qua đó làm phát sinh quyền đòi nợ và nghĩa vụ trả nợ của các bên vì vậy nó hoàn toàn là một giao dịch dân sự đúng nghĩa.

Thứ hai, về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, một giao dịch dân sự được coi là có hiệu lực khi: Người tham gia giao dịch dân sự có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện và hình thức tham gia giao dịch dân sự cũng là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định. Gắn giao dịch “tín dụng đen” trong điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Thứ ba, các đối tượng khi tham gia “tín dụng đen” hoàn toàn có đủ năng lực hành vi dân sự, điều này thể hiện ở việc họ nhận thức được hành vi của mình trong việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự và tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch đó.

Thứ tư, xét về mục đích thì “tín dụng đen” hoàn toàn phù hợp pháp luật bởi nó cũng chỉ là hoạt động huy động vốn và cho vay tín dụng. Tuy nhiên, ở đây chúng ta xét tới vấn đề nội dung, bởi đặc trưng nổi bật của “tín dụng đen” là hoạt động huy động vốn và cho vay với “lãi suất cao”. Giao dịch tín dụng “đen” thường không áp dụng lãi suất quá hạn 150% lãi suất thỏa thuận mà chỉ áp dụng mức lãi suất duy nhất căn cứ vào thời hạn vay, số tiền vay và nhu cầu cấp thiết của người đi vay. Thông thường cho vay tín dụng “đen” phân chia làm các hình thức vay: Vay nóng (thời hạn vay ngắn, thường tính bằng ngày) và vay nguội (thời hạn vay dài, tính bằng tháng, quý, năm). Đối với giao dịch về hụi, cũng phân chia thành hình thức tương ứng tuỳ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên. Thông thường vay nguội, lãi suất từ 3-5%/tháng (Tùy thuộc vào số tiền vay nhiều hay ít), còn vay nóng thì lãi suất từ 7-10%/tháng. Cá biệt có trường hợp cho vay với lãi suất theo quảng cáo là thấp chỉ 1.500 đồng cho khoản vay 1 triệu đồng/1 ngày nhưng thực chất lên đến gần 55%/năm. Mặt khác, giao dịch tín dụng “đen” là giao dịch chưa được cấp phép và chưa chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nào. Như vậy, nội dung của giao dịch tín dụng “đen” là trái quy định của pháp luật.

Thứ năm, trên thực tế, hoạt động “tín dụng đen” là hoạt động tín dụng trái pháp luật. Mặc dù xét về bên ngoài thì “tín dụng đen” vẫn là một giao dịch dân sự thông thường không vi phạm các điều cấm của pháp luật và hoạt động dưới hình thức thỏa thuận, tự nguyện giữa hai bên. Tuy nhiên, cần hiểu bản chất của tội phạm trong “tín dụng đen” thường nổi lên ở hai chiều:

– Về chiều đi vay: Các đối tượng thường tung ra lãi suất cao để đánh vào lòng tham của những người cho vay hoặc thế chấp giả để vay ngân hàng nhằm huy động vốn nhanh trong một thời gian ngắn sau đó biến mất dẫn tới tình trạng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

– Về chiều cho vay: Lãi suất cao đánh vào lòng tham của người cho vay; lợi dụng sự cấp bách về vốn trong kinh doanh; người chơi cờ bạc thua lỗ, buộc người vay phải chấp nhận vay nặng lãi của các đối tượng “xã hội đen” với lãi suất rất cao khiến bên đi vay mất khả năng thanh toán và bị rơi vào tình trạng xiết nợ tịnh thu tài sản, nhà cửa…. thậm chí có trường hợp các đối tượng đã giải quyết theo kiểu “xã hội đen”, như đâm thuê chém mướn; bắt cóc tống tiền…

Nguyên nhân khiến “tín dụng đen” trở nên phổ biến là do khá nhiều yếu tố tác động đến như: Công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn kém; chưa có các quy định của pháp luật về “tín dụng đen”; nền kinh tế trong nước cũng chịu sự chi phối bởi khủng hoảng kinh tế trong khu vực và trên thế giới, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn… Để khắc phục những hạn chế từ nạn “tín dụng đen” trong nhân dân, có thể đưa ra một số biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” theo hướng sau:
Một là, cần hoàn thiện các quy định pháp luật dân sự cũng như hình sự trong việc điều chỉnh quan hệ “tín dụng đen”. Cần phải có những quy định cũng như những chế tài cụ thể, nghiêm khắc cả về hành chính cũng như hình sự nhằm răn đe các đối tượng. Ví dụ, nếu phát hiện hành vi cho vay nặng lãi lần đầu thì cảnh cáo, xử phạt hành chính. Nếu tái phạm quá ba lần thì truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ của khoản vay.

Hai là, Nhà nước cần phải có các chính sách cũng như thủ tục cho vay vốn thuận tiện, kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là có những chính sách hợp lý, thủ tục cần phải đơn giản để người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng ngày càng tốt hơn. Đối với giải pháp phòng ngừa xã hội, Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại theo chỉ đạo của Chính phủ và tập trung phát triển mạnh mẽ đa dạng thị trường tài chính, tiền tệ chính thức, cải cách hành chính trong hoạt động tín dụng, phát triển Quỹ tín dụng Nhân dân hoặc các tổ chức tài chính vi mô tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp được tiếp cận các nguồn vốn vay, qua đó hạn chế tình trạng vay nóng, tìm đến các kênh tài chính phi chính thức và các nguồn tài chính từ “tín dụng đen”. Đồng thời, với nghiệp vụ chuyên môn của mình các ngân hàng cần có biện pháp ngăn chặn tác động tiêu cực từ “tín dụng đen” và có biện pháp phòng ngừa cán bộ ngân hàng móc ngoặc với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để trục lợi bất chính. Ngành ngân hàng cũng cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật có liên quan trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, kiểm soát “tín dụng đen”, ngăn chặn sự xâm lấn của “tín dụng đen” vào hoạt động của ngân hàng.

Ba là, đối với hoạt động của lực lượng Công an nhân dân cần tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để theo dõi, quản lý đối với các đối tượng cho vay nặng lãi, đối tượng cầm cố tài sản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đối tượng nợ xấu ngân hàng, đối tượng không có khả năng trả nợ hoặc có dấu hiệu cố tình không trả nợ…Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các chủ thể kinh doanh dịch vụ tín dụng phi chính thức, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở cầm đồ và xử lý nghiêm các chủ kinh doanh vi phạm.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của người dân, giúp người dân nhận thức rõ bản chất của “tín dụng đen”, không gửi niềm tin vào những kẻ lừa đảo dưới bất cứ hình thức nào. Các tổ chức xã hội như: Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… với vai trò là thành viên của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục, giải thích cho người dân cách thức nhận diện thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”, không bị rơi vào vòng xoáy của lãi suất cao. Trong đó, lực lượng Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và mỗi đảng viên tại cơ sở phải được coi là nòng cốt trong tuyên truyền cho người dân kiến thức về tài chính, thị trường, hiểu biết quy định về giao dịch chính thức, vay vốn và sử dụng vốn vay an toàn, từ đó họ ý thức phòng ngừa trong giao dịch vay mượn.

Tóm lại, hiện nay, “tín dụng đen” đã và đang ngày càng gia tăng do đó pháp luật cần có những điều chỉnh kịp thời hơn nữa để có thể phòng, chống tốt các loại tội phạm từ “tín dụng đen”. Hy vọng rằng, trong thời gian tới tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” sẽ ngày càng được giảm thiểu, hạn chế những thiệt hại gây ra cho người dân.

ST