Tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước – vấn đề và giải pháp

386
Đánh giá bài viết

1. Sự cần thiết phải tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam

Tinh giản biên chế không phải là một hoạt động mới ở nước ta. Tuy nhiên, qua một thời gian dài được thực hiện nhưng vẫn không mang lại kết quả tích cực cho bộ máy hành chính nhà nước. Vì thế, cần phải có sự xem xét để khẳng định lại sự cần thiết của hoạt động này và tìm cách thực hiện tốt hơn.

 

Ảnh minh hoạ.

Mục đích của mọi cuộc tinh giản biên chế là nhằm tạo ra được bộ máy công quyển hoạt dộng hiệu quả trên cơ sở cơ cấu tổ chức tinh gọn với số lượng nhân sự phù hợp, được vận hành một cách khoa học để thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ đã được xác định (1). Như vậy, mục đích của tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm cơ học số lượng nhân sự (thay đổi về lượng) mà hơn thế, đây là cách thức để các cơ quan nhà nước tinh lọc lại nhân sự (thay đổi về chất) nhằm làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước có hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Ở Việt Nam, kể từ năm 2000 cho đến cuối năm 2012, Chính phủ đã ban hành các văn bản về tinh giản biên chế sau đây:

– Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về việc tinh giản biên chê’ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp;

– Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp;

– Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 về chính sách tinh giản biên chế.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 132/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, tính đến hết năm 2012, tổng số cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện là 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); cán bộ, công chức cấp xã là 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế); số cán bộ, công chức nghỉ do thuộc diện “tinh giản biên chế” là 67.389 người, nhưng trong đó có tới 61.018 người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%). Tổng kết sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước không giảm mà còn tăng thêm 20%(2).

Qua những số liệu trên đây có thể khẳng định rằng, quá trình thực hiện tinh giản biên chế ở nước ta trong những năm qua đã không đạt được mục tiêu mong muốn. Vì thế, cần phải tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế với những cách thức khác cùng với các giải pháp khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện tinh giản biên chế thời gian qua.

Bên cạnh đó, bối cảnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 với trọng tâm là: cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công (3).

Như vậy, từ thực tiễn kết quả còn hạn chế của quá trình thực hiện tinh giản biên chế trong hơn 10 năm qua và những định hướng trong cải cách hành chính nhà nước trong thời gian tới đặt ra yêu cầu cấp bách phải thực hiện tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam.

2. Đối tượng và chính sách tinh giản biên chế trong thời gian tới

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhằm khắc phục những hạn chế của quá trình tinh giản biên chế thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế. Tiếp đó, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2015/ TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ- CP. Đặc biệt, ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó nêu rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp tinh giản biên chế. Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý để thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước nói riêng trong thời gian tới.

Theo quy định, những đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm cán bộ, công chức thuộc một trong những trường hợp sau(4):

– Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước;

– Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

– Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn;

– Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác;

– Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thòi điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp;

– Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp;

– Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Chính sách tinh giản biên chế gồm: chính sách nghỉ hưu trước tuổi; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; chính sách thôi việc; chính sách đối với những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ khác có phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn do sắp xếp tổ chức(5).

Cách thức tính toán cụ thể về những chế độ tương ứng với chính sách mà những người thuộc diện tinh giản biên chế được hưởng được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch so 01/2015/TTLT-BNV-BTC.

3. Một số vấn dề đặt ra trong tinh giản biên chế thời gian tới và giải pháp tháo gỡ

So với các quy định tại các văn bản pháp lý về Chính sách tinh giản biên chế từ năm 2000 đến 2013, có thể thấy rằng những nội dung cơ bản về đối tượng và chính sách tinh giản biên chế trong thời gian tới được quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đã rõ ràng hơn. Đặc biệt, trong xác định đối tượng tinh giản biên chế có đề cập tới mối tương quan giữa nhân sự và vị trí việc làm. Điều này thể hiện phương hướng chuyển đổi nền công vụ từ mô hình chức nghiệp sang mô hình việc làm theo tinh thần đổi mới trong Luật cán bộ, công chức năm 2008. Bên cạnh đó, sự rõ ràng trong xác định đối tượng thuộc diện tinh giản biên chê còn thể hiện ở việc gắn đánh giá năng lực với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, từ những ưu điểm được phân tích trên đây cùng với những hạn chế trong thời gian qua đặt ra các vấn đề phải giải quyết trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế thời gian tới như sau:

Một là, cần xác định chính xác mức độ phù hợp vể năng lực của cán bộ, công chức với yêu cầu của vị trí việc làm để có căn cứ đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức những người không đủ năng lực.

Hai là, cần đánh giá chính xấc mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức để có căn cứ xác định những ai là người không hoàn thành nhiệm vụ.

Ba là, tránh sự nể nang, né tránh và thiếu kiên quyết của những người đứng đầu tổ chức và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực như “chạy chọt” để không bị đưa vào diện tinh giản biên chế, hoặc lãnh đạo cơ quan, tổ chức lợi dụng việc này để trù dập.

Bốn là, hạn chế tình trạng tỷ lệ lớn những người tinh giản biên chế là nghỉ hưu trước tuổi như trong thời gian qua. Nếu trong cơ quan, tổ chức có tỷ lệ tinh giản biên chế chủ yếu là đối tượng này (giống như kết quả tinh giản biên chế trong thời gian qua) thì chưa chắc cơ quan, tổ chức đã đạt được mục tiêu của tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, bởi phần lớn những người này đều có kinh nghiệm làm việc tốt và như vậy là cơ quan, tổ chức mất đi một nguồn nhân lực có chất lượng chứ không phải là loại bỏ những người có năng lực yếu.

Để giải quyết các vấn đề trên, cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước để có cơ sở xác định nhiệm vụ và yêu cầu về năng lực thực hiện nhiệm vụ tại mỗi vị trí công việc trong cơ quan, tổ chức. Có thể thấy rằng, đề án vị trí việc làm chính là khâu mấu chốt để tiến hành xác định mức độ phù hợp về năng lực cũng như để đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, tạo cơ sở cho việc xác định chính xác những đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế.

Thứ hai, việc xác định số lượng cán bộ, công chức thuộc diện tinh giản trong mỗi cơ quan, tổ chức không nên gò ép vào con số tối thiểu (6) như trong Nghị quyết số 39- NQ/TW mà nên dựa trên nhu cầu công việc của mỗi cơ quan, tổ chức. Muốn làm được điểu đó, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức trên cơ sở luật định và điều kiện thực tế (dân số, trình độ phát triển của địa phương, các vấn đề đặt ra trong phát triển ở địa phương,…). Cùng với kết quả của đề án xây dựng vị trí việc làm, đây cũng là cơ sỗ quan trọng để giúp cơ quan, tổ chức xác định được chính xác số lượng nhân sự cần có cho các vị trí công việc sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Dựa trên những căn cứ đó, tỷ lệ số lượng nhân sự dôi dư trong các cơ quan, tổ chức không thể là giống nhau. Có thể có những cơ quan, tổ chức có số lượng cán bộ, công chức thừa trên 10% (thậm chí là 30 hoặc 40%), nhưng cũng có những cơ quan, tổ chức còn thiếu nhân sự (đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước ở địa bàn đô thị và chính quyền cấp xã).

Thứ ba, cụ thể hóa các căn cứ và xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp cho các vị trí công việc trong cơ quan, tổ chức. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2015/NĐ- CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực từ ngày 01/8/2015). Nghị định này đã quy định về nguyên tắc và căn cứ đánh giá là dựa vào kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức (đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý); chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ (đối với công chức). Tuy nhiên, để đánh giá chính xác mức độ thực hiện nhiệm vụ theo quy định này thì từng cơ quan, tổ chức cần phải cụ thể hóa về giao nhiệm vụ và tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ phù hợp với từng vị trí công việc trong cơ quan, tổ chức cũng như xác định cách thức thu thập thông tin đánh giá đảm bảo khách quan, chính xác. Cơ sở thực hiện giải pháp này là đề án xây dựng vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức đã được phê duyệt, đồng thời mở rộng diện thu thập thông tin đánh giá từ bên ngoài cơ quan, tổ chức đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Thứ tư, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức với thực hiện tinh giản biên chế. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có vai trò quan trọng nhất, bởi họ là người chịu trách nhiệm lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện. Do vậy, cần có những quy định pháp lý để ràng buộc sự cam kết của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với trách nhiệm thực hiện tinh giản biên chế, đồng thời cũng cần có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc nếu không thực hiện đúng cam kết.

Thứ năm, cần sửa đổi chế độ đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, bởi theo chế độ hiện hành những cán bộ, công chức còn một số năm nữa đến tuổi nghỉ hưu sẽ có lợi khi họ tự nguyên nghỉ hưu sớm (tỷ lệ lương hưu không bị trừ và được một khoản tiền lớn) trong khi cơ quan, tổ chức lại mất đi nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Do vậy, chế độ đối với đối tượng này cần sửa lại theo hướng giảm số tiền được lĩnh 01 lần và trừ phần trăm tỷ lệ lương hưu tương ứng với số năm nghỉ hưu sớm để không khuyến khích đối tượng này nghỉ.

Thứ sáu, tăng cường sự giám sát công tác tinh giản biên chế. Tinh giản biên chế trong toàn bộ máy hành chính nhà nước là một công việc lớn và phức tạp bởi liên quan đến con người. Vì vậy, ngoài việc quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì cần tăng cường sự giám sát từ bên ngoài đối với việc thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức. Các chủ thể giám sát có thể mở rộng bao gồm: các cơ quan báo chí, cơ quan cấp trên, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội và cả người dân. Để tránh việc giám sát chung chung, cần xây dựng cơ chế giám sát một cách rõ ràng về nội dung và cách thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể thực hiện giám sát. Cơ chế giám sát như trên nên đưa vào đề án tinh giản biên chế của mỗi cơ quan, tổ chức.

Thứ bảy, để hỗ trợ cho việc xác định chính xác những đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế thì ngoài việc xây dựng đề án vị trí việc làm và đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, các cơ quan, tổ chức còn cần đổng thời tiến hành các hoạt động quản lý tổ chức và nhân sự khác, đó là:

– Tinh giản bộ máy theo hướng giảm bớt đầu mối và tầng nấc trung gian.

– Dựa trên kết quả đánh giá thực thi công vụ và yêu cầu năng lực của vị trí việc làm để sắp xốp lại nhân sự hợp lý, bảo đảm nguyên tắc “đúng người, đúng việc”.

– Áp dụng các phương pháp tổ chức lao động khoa học và công nghệ thông tin để hợp lý hóa và hiện đại hóa quy trình thực hiện công vụ, giảm bớt thời gian và sức lao động để tạo điều kiện giảm bớt được số lượng biên chế trong cơ quan, tổ chức.

TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Học viện Hành chính quốc gia

———————————–

Ghi chú:

(1) Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về việc tinh giảm biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Nghị quyết số 39-NQ/TVV ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị vể tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

(2) http://tuyencongchuc.vn/cong-chuc-cap- o-can-bo-tham-nhung-co-bi-tinh-gian-bien-che/

(3) Chính phủ, Nghị quyết 30C/2011/NQ-CP ngày 08/11/2011 vể ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020

(4) Chính phủ, Nghị định số 108/2014/NĐ- CP ngày 20/11/2014 vế chính sách tinh giản biên chế, Điểu 6.

(5) Chính phủ, Nghị định số 108/2014/NĐ- CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế, Điều 8-11.

(6) Bộ Chính trị, Nghị quyết số 39-NQ/TVV ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.