Tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018

49
Đánh giá bài viết

Để triển thực hiện hoạt động kiểm soát thu tục hành chính (TTHC) theo kế hoạch năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tăng cường hoạt động kiểm soát TTHC, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời đề ra một số hoạt động trọng tâm nhằm tạo động lực chuyển biến mới trong cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng, kết nối, tích hợp dịch vụ hỗ trợ nộp, thanh toán trực tuyến thuế, phí, lệ phí theo quy định; tích hợp, kết nối với phần mềm theo dõi hồ sơ TTHC qua Dịch vụ Bưu chính công ích; tích hợp, kết nối giữa Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các Bộ, ngành về giải quyết TTHC…

Cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện hoạt động cải cách TTHC, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị về giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Dự án dân chấm điểm M-Score, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông (ICT INDEX) để đề ra giải pháp khắc phục hạn chế, đồng thời xây dựng nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hơn nữa Chỉ số PAR INDEX, cải cách TTHC, Chỉ số PCI, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách và việc giải quyết TTHC để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách. Trên cơ sở đó, nhiều sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã tổ chức được nhiều hội nghị giải đáp, chia sẻ với khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân và tổng hợp đề xuất, kiến nghị gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trên cơ sở bám sát quy định pháp luật hiện hành của UBND tỉnh, công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cải cách quá trình giải quyết TTHC được các đơn vị, địa phương áp dụng nhiều giải pháp tích cực, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn ngày càng giảm. Tính công khai, minh bạch không ngừng được cải thiện. Trách nhiệm của các cơ quan giải quyết TTHC trong việc giải trình, giải thích việc thực thi pháp luật cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết và thực hiện được chú trọng. Việc phối hợp thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng được tăng cường. Đặc biệt, việc chỉ đạo quyết liệt và khẩn trương đưa Trung tâm Hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động là một bước đột phá trong công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa nền hành chính nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, tỉnh Quảng Bình vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong việc giải quyết TTHC hiệu quả chưa cao vì khả năng tiếp cận thông tin, trình độ, phương tiện máy móc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Mặt khác, người dân vẫn quen với hình thức giao dịch tại bộ phận một cửa của cơ quan hành chính do việc tiếp nhận, giải quyết TTHC đảm bảo nhanh gọn, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định. Tương tự, việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã được người dân đón nhận nhưng kết quả chưa cao do tâm lý muốn gửi hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp.

Mặt khác, quy định thời gian giải quyết TTHC trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành Trung ương chưa thống nhất về cách tính thời gian giải quyết giữa “ngày” và “ngày làm việc” nên rất khó phân định khi xây dựng quy trình giải quyết TTHC cụ thể giữa các cơ quan. Phần mềm Một cửa điện tử chuyên ngành của các Bộ, ngành xây dựng chưa tích hợp được với Hệ thống Thông tin một cửa điện tử của tỉnh và tiến độ nâng cấp, chỉnh sửa theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam đang còn chậm nên ảnh hưởng đến việc tích hợp, kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các địa phương…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách TTHC trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình xác định tiếp tục phát huy kết quả hoạt động kiểm soát TTHC trong thời gian qua, kịp thời triển khai nhiệm vụ mới về cải cách TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường cải cách quá trình thực thi giải quyết TTHC; xây dựng quy trình nội bộ hợp lý nhằm giải quyết TTHC nhanh gọn, rút ngắn thời gian giải quyết so với thời hạn được pháp luật quy định; thực hiện quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh triển khai giải pháp về công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan giải quyết TTHC. Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử của tỉnh theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông; hoàn thiện việc thiết lập cấu hình liên thông giải quyết TTHC giữa các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành với UBND tỉnh trên phần mềm Hệ thống Thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

Ngoài ra, ngành Bưu điện tỉnh cần phối hợp với các cơ quan liên quan để bồi dưỡng và tập huấn cho nhân viên bưu chính về quy trình nghiệp vụ có liên quan đến việc tiếp nhận, trả hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, thu phí, lệ phí giải quyết TTHC, giá cước dịch vụ chuyển phát hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, đồng thời tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để người dân được hiểu rõ và tin tưởng về dịch vụ này.
Mặt khác, tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành chuyên quản nâng cấp các phần mềm và hướng dẫn địa phương kết nối, tích hợp dữ liệu về tình hình giải quyết TTHC về Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT quy định đối với thành phần hồ sơ, yêu cầu điều kiện của thủ tục cấp phép bến khách ngang sông với hộ dân sử dụng các bến tự nhiên có quy mô nhỏ để phục vụ dân sinh…

Quang Binh Portal