Tình hình tội phạm về ma túy và công tác tham mưu trong đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn Quảng Bình

3195
Đánh giá bài viết

Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy để xây dựng một xã hội phát triển bền vững, an toàn và lành mạnh cho mọi người. Quan điểm của Đảng ta về vấn đề này là kiên quyết, không khoan nhượng và xác định đây là một cuộc đấu tranh cam go, đầy gian khổ, thách thức, cần có các giải pháp đồng bộ, căn cơ, vừa trước mắt, vừa lâu dài nhằm huy động sức mạnh của toàn dân. Do đó, Đảng ta ban hành nhiều văn bản về lãnh đạo phòng, chống ma túy, trong đó Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” là chủ trương chính thống của Đảng ta đối với công tác phòng, chống ma túy.

Theo đánh giá của Cơ quan Kiểm soát ma túy, tội phạm của Liên Hợp quốc, tình hình ma túy trên thế giới và khu vực trong những năm qua tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng và xu hướng gia tăng, trong đó Đông Nam Á vẫn là một trong 3 khu vực trọng điểm, phức tạp về ma túy của thế giới. Lượng ma túy tổng hợp bị bắt giữ ở khu vực Đông và Đông Nam Á chiếm trên 50% lượng ma túy thu giữ trên thế giới.

Do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực nên tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, khó lường. Nổi lên là tuyến Tây Bắc và Bắc miền Trung (Vân Hồ, Sông Mã, Mộc Châu – Sơn La; Mai Châu – Hòa Bình; Tương Dương – Nghệ An); ngoài ra trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia phát hiện nhiều đường dây vận chuyển trái phép ma túy qua các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước… Hiện cả nước tồn tại 155 tụ điểm và 2.256 điểm phức tạp về ma túy; đến 15/5/2018, có trên 220 ngàn người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó 67,5% người nghiện đang ở ngoài xã hội.

Tỉnh Quảng Bình trước năm 1998 được xem là địa bàn “trắng” về ma túy, trên địa bàn chỉ có một số ít người nghiện ở các tỉnh phía Bắc vào Quảng Bình làm ăn sinh sống hoặc con em quê Quảng Bình từ các tỉnh khác nghiện ma tuý trước khi về quê. Sau năm 1998, cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, kéo theo đó là tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy ở địa bàn tỉnh Quảng Bình ngày càng diễn biến phức tạp cả về tính chất và mức độ. Hiện địa bàn có 131/159 xã, phường, thị trấn liên quan đến ma túy với gần 900 người nghiện có hồ sơ quản lý.

Trong những năm qua, Công an tỉnh đã làm tốt công tác nắm tình hình an ninh, trật tự, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, kịp thời phát hiện những vấn đề nổi lên để tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn. Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, Công an tỉnh đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 16-6-2008 thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, trong đó đề ra 07 nhóm giải pháp chủ yếu để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện; tham mưu ban hành Kế hoạch số 101-KH/TU ngày 05-01-2015 về tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 95-KL/TW ngày 02-04-2014 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW. Hàng năm, Công an tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hoá nhiệm vụ phòng, chống ma tuý vào nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh; tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh có kế hoạch triển khai công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh; tham mưu phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện các đề án, tiểu đề án trong Chương trình phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình…

Phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03/NQLT ngày 24/6/2010 giữa Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Công an phối hợp phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT ngày 08/5/2002 giữa Bộ Công an và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới, cửa khẩu và tuyến biển theo Quyết định 133/QĐ-TTg; đã tổ chức định kỳ giao ban trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong phòng, chống ma túy.

Ngoài ra, chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên, tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao mắc tệ nạn ma túy (học sinh, sinh viên), đối tượng ở vùng sâu, vùng miền núi, các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Phối hợp với các ngành, đoàn thể như Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, UBND các xã, thị trấn và các trường học tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy cho cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân trong tỉnh. Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Bình tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trên sóng phát thanh, truyền hình, thông qua các buổi chiếu phim lưu động cho nhân dân trong tỉnh.

Trong 10 năm qua, lực lượng Công an các cấp phát hiện, bắt giữ 504 vụ, liên quan 818 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ tang vật: 1583,82g hêrôin, 4588,86g + 29430 viên ma túy tổng hợp, 35,91kg cần sa, 1,9 tỷ đồng và nhiều tang vật khác; khởi tố, điều tra 412 vụ, 532 bị can về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Bắt giữ, xử lý hành chính 427 vụ, 738 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Đặc biệt vừa qua, lực lượng Công an bắt giữ vụ vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn nhất từ trước đến nay (308,6kg ma túy “đá”).

Tang vật 308,6 kg ma túy đá bị Công an Quảng Bình bắt giữ

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận và các địa phương tích cực vận động, tổ chức cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện ma tuý, đã vận động, lập hồ sơ, đề xuất cai nghiện cho 282 người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 56/2002/NĐ-CP và Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ; vận động hàng trăm đối tượng đi cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện tỉnh và các trung tâm cai nghiện khác. Phối hợp thực hiện Kế hoạch liên tịch số 993/KHLT ngày 10/12/2008 về phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma tuý cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng. Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh hợp tác quốc tế với lực lượng liên quan các tỉnh Khăm Muộn, Savanakhẹt – Lào trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý qua tuyến biên giới, cửa khẩu; tổ chức nắm tình hình trên tuyến biên giới, khu vực cánh gà các cửa khẩu, tình hình liên quan tội phạm ma tuý, trao đổi kinh nghiệm đấu tranh các chuyên án vận chuyển, mua bán ma tuý qua biên giới để chủ động phòng ngừa, đấu tranh. Hàng năm, Công an tỉnh Quảng Bình và An ninh các tỉnh Khăm Muộn, Sa Văn Na Khệt đã tổ chức hội đàm trao đổi thông tin liên quan để đánh giá tình hình, kết quả hợp tác và ký các biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đảm bảo an ninh và đấu tranh phòng, chống ma túy giữa hai tỉnh giáp biên giới với nhau.

Nhìn chung, qua 10 năm (2008 – 2018) thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị, Công an tỉnh đã tích cực tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, thể hiện ở hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy, kiềm chế một phần sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý thu được nhiều kết quả tích cực, không để hình thành các đường dây tội phạm ma túy lớn và tụ điểm tệ nạn ma túy phức tạp trên địa bàn; hạn chế việc thẩm lậu ma túy qua biên giới. Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai từng bước được quan tâm hơn.

Một số bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng, chống ma túy đó là:

(1) Công tác phòng, chống ma túy chỉ đạo hiệu quả cao khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, phát huy vai trò tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng và sự ủng hộ, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cùng các tầng lớp nhân dân.

(2) Trong công tác phòng, chống ma túy, công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các lực lượng vũ trang đối với công tác này. Công tác này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng loại đối tượng và địa bàn cụ thể; thường xuyên sơ, tổng kết nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong phòng, chống ma túy.

(3) Trong đấu tranh chống tội phạm ma túy cần sử dụng đồng bộ các biện pháp, trong đó hết sức coi trọng biện pháp nghiệp vụ và kỹ thuật, kết hợp đấu tranh theo tuyến với làm trong sạch địa bàn, có kế hoạch, phương án cụ thể và bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tham gia đấu tranh.

(4) Công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy giữ vai trò quan trọng góp phần làm trong sạch địa bàn, giảm tội phạm và tệ nạn ma túy; chú trọng đổi mới cả về chỉ đạo, điều hành và cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng công tác cai nghiện tập trung, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

(5) Thường xuyên quan tâm đầu tư nguồn lực, hỗ trợ, kiện toàn về tổ chức bộ máy phòng, chống ma túy, nhất là lực lượng chuyên trách; đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ trong đấu tranh phòng, chống ma túy; bố trí kinh phí thỏa đáng, kịp thời cho công tác phòng, chống ma túy là điều kiện rất quan trọng đảm bảo hiệu quả công tác này.

(6) Cần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, nhằm chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, phối hợp giải quyết không để hình thành hoặc phát sinh tình hình phức tạp.

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh ta còn diễn biến phức tạp, hậu quả tác hại của tệ nạn ma túy gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội. Để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu trong đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới, lực lượng Công an cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là: Tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo kế hoạch đã đề ra; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy, từng bước kiềm chế, kéo giảm tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Hai là: Làm tốt công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, chủ động tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp trong đất tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn. Tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống ma túy; đẩy mạnh các phong trào và nhân rộng các điển hình về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Ba là: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa xã hội; tập trung đánh trúng, đánh mạnh các đường dây, điều tra, xử lý nghiêm tội phạm về ma tuý theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với ngành Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong điều tra, truy tố, xét xử, xử lý tội phạm về ma túy.

Bốn là: Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trong khu vực, các địa bàn lân cận để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm về ma túy qua địa bàn.

Năm là: Tham mưu hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma tuý.Phối hợp trong điều tra, khám phá các đường dây buôn bán ma tuý xuyên quốc gia có người Quảng Bình tham gia hoặc có công dân Lào hoạt động phạm tội về ma túy trên địa bàn Quảng Bình.

Trung tá, Ths Nguyễn Xuân Tư