Tổng kết 05 năm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trong Công an Quảng Bình. Thực trạng, giải pháp và kiến nghị đề xuất

2645
Đánh giá bài viết

Thực hiện Công văn số 1105/V19-P3 ngày 10/5/2017 của Bộ Công an và Kế hoạch số 797/KH-UBND ngày 11/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC), mốc số liệu kể từ ngày 02/7/2012 đến ngày 31/3/2017. Ngày 21 tháng 06 năm 2017, Công an tỉnh Quảng Bình đã có báo cáo số 1237/BC-CAT-PV11 để đánh giá, tổng kết 05 thực hiện Luật XLVPHC.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, sau khi Luật XLVPHC năm 2012 có hiệu lực thi hành. Để triển khai thi hành có hiệu quả Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan, trên cơ sở các Kế hoạch của UBND tỉnh, Bộ Công an và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Công an tỉnh đã kịp thời ban hành các Kế hoạch, Công văn chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn áp dụng các biện pháp quản lý XLVPHC tại CA đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định, trong đó phân công nhiệm vụ cho các đơn vị như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, xác định lĩnh vực, nội dung trọng tâm, tổ chức kiểm tra, khảo sát, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện…, đồng thời giao trách nhiệm cho phòng Tham mưu tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện và đạt được những kết quả như sau:

– Thứ nhất: Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn công tác XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành: Công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn về kĩ năng, nghiệp vụ trong việc thi hành áp dụng Luật XLVPHC được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phù hợp, đối tượng phong phú, đa dạng như tổ chức các hội nghị tuyên truyền; hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo và cán bộ đầu mối làm công tác XLVPHC.

Hằng năm, Công an tỉnh chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PHPBGDPL) ban hành kế hoạch tuyên truyền các văn bản pháp luật nói chung, trong đó đã tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính cho cán bộ cốt cán, chỉ huy, cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm làm công tác XLVPHC, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm, nắm chắc nội dung các văn bản QPPL về XLVPHC như: Luật XLVPHC năm 2012; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật XLVPHC, Nghị định của chính phủ quy định về XLVPHC trên từng lĩnh vực như: lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; lĩnh vực quản lý nghành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; lĩnh vực xuất nhập cảnh; lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về TTXH…Chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ về thẩm quyền, quy trình, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhất là xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, áp dụng biện pháp xử lý tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cơ sở giáo dục bắt buộc. Qua đó, CBCS trong toàn lực lượng Công an Quảng Bình, nhất là đội ngũ CBCS có thẩm quyền XLVPHC nắm vững những nội dung cơ bản của Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành để vận dụng vào thực tiễn công tác, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức.

Nhìn chung, công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành luôn được Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo CA tỉnh quan tâm, chỉ đạo, do đó đã góp phần tạo chuyển biến mạnh về nhận thức trong công tác  XLVPHC của cán bộ chiến sỹ, nhất là những người làm công tác quản lý, người trực tiếp thực hiện công tác XLVPHC cũng như thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.

– Thứ hai, trong công tác kiểm tra, thanh tra và phối hợp trong quản lý nhà nước về công tác XLVPHC được chú trọng và tăng cường. Hằng năm, Công an tỉnh đều thành lập các đoàn kiểm tra về công tác  XLVPHC trên các lĩnh vực. Trong đó, chú trọng các lĩnh vực trọng tâm như: an ninh trật tự, chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả trên địa bàn… Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật cũng như tình hình thi hành các quyết định xử phạt hành chính đối với các đối tượng bị xử phạt. Thông qua công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực thi các quy định của pháp luật, qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định góp phần thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về XLVPHC.

Công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về triển khai công tác XLVPHC giữa các đơn vị có liên quan bảo đảm thường xuyên. Ngoài ra, công tác quản lý XLVPHC huy động được sự tham gia của cơ quan CSĐT điều tra các cấp trong công tác phối hợp tập trung vào các nội dung như: Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tổng hợp báo cáo…Qua đó kịp thời nắm bắt thông tin, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý XLVPHC.

– Thứ ba, trong công tác XLVPHC: Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội, tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh phát sinh ngày càng nhiều với các biểu hiện đa dạng và phức tạp trên tất cả các mặt đời sống xã hội. Các hành vi phạm chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực như: an ninh trật tự; vi phạm trật tự an toàn giao thông; lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội; quản lý xuất, nhập cảnh; phòng cháy, chữa cháy và lĩnh vực môi trường…Đối với hành vi vi phạm của tổ chức chủ yếu trên các lĩnh vực TTATGT, kinh tế, môi trường…

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ ngày 02/7/2012 đến ngày 31/3/2017, đã phát hiện 179.702 vụ vi phạm, trong đó đã xử phạt 174.541 vụ, thu 158.785.322.793 đồng; chưa xử phạt 4.998 vụ, chuyển xử lý bằng hình thức khác 163 vụ. Cụ thể: năm 2012: 28.075 vụ; năm 2013: 37.601 vụ; năm 2014: 33.960 vụ; năm 2015: 34.976 vụ; năm 2016: 30.396 vụ; 6 tháng đầu năm 2017: 14.694 vụ. Nguyên nhân số vụ chưa bị xử phạt chủ yếu là do người vi phạm chưa đến cơ quan Công an để thi hành quyết định xử phạt, phương tiện vi phạm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, cần phải xác minh làm rõ…

 

Hình ảnh minh họa

 

Các vụ việc vi phạm xảy ra trên các lĩnh vực đều được phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm không để dây dưa kéo dài. Các đối tượng vi phạm đa phần đều tự nguyện chấp hành theo quyết định xử phạt của cơ quan chức năng, người có thẩm quyền. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đảm bảo khách quan, đúng người, đúng pháp luật, đã có tác dụng giáo dục, răn đe mọi đối tượng. Công tác xử lý vi phạm hành chính của Công an Quảng Bình, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công an các đơn vị, địa phương đã bám theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản QPPL mới ban hành; thường xuyên, định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong đội ngũ cán bộ, chiến sỹ để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần ổn định tốt tình tình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

* Tuy nhiên, qua công tác Công an tỉnh còn thấy một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác xử phạt vi phạm hành chính là:

– Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế vẫn còn chậm; thiếu những quy định cụ thể về cách thức phối hợp và huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

– Quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, thẩm quyền trước đây do Hội đồng tư vấn đề xuất và Chủ tịch UBND huyện ra quyết định, nay thẩm quyền đó được giao cho TAND, qua nhiều khâu, thủ tục rờm rà nên khó tổ chức thực hiện.

– Về điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP còn gặp khó khăn do quy định số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian 06 tháng có ít nhất 02 lần vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính là quá ngắn, rất khó có đối tượng để áp dụng; nhiều trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần trên nhiều địa bàn khác nhau nên khó có thể áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

– Quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 221/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ và thiếu khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể: Muốn đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc phải xác định tình trạng nghiện rồi tiến hành xử phạt hành chính. Sau đó đưa về giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nếu tái nghiện thì mới đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Trong khi đó, việc xác định tình trạng nghiện trên thực tế khó thực hiện vì theo Nghị định 221, thẩm quyền xét nghiệm là y sỹ, bác sỹ có chứng chỉ hành nghề và phải tham gia tập huấn về cai nghiện tại cộng đồng (nhiều địa phương hiện nay bác sỹ chưa có chứng chỉ này).

Trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện qua nhiều cơ quan (Công an xã, phường, phòng lao động – thương binh xã hội, phòng tư pháp, TAND cấp huyện) nên để có Quyết định đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc phải mất nhiều thời gian. Trong khi các xã, phường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác này.

– Theo Khoản 4, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời gian tạm giữ tang vật vi phạm 24 giờ là quá ngắn, khó thực hiện, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết trong việc thực hiện.

– Một số quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính còn mang tính định tính khó áp dụng như: Áp dụng tình tiết tăng nặng với vi phạm hành chính “Có quy mô lớn” (Khoản 1, Điều 10); Vụ việc “có nhiều tình tiết phức tạp”; vụ việc “đặc biệt nghiêm trọng (Điều 66) cần có hướng dẫn cụ thể.

– Tại khoản 3, Điều 125, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II- Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính”. Quy định như vậy là chưa rõ, gây khó hiểu trong quá trình thực hiện.

– Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hạn chế thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát môi trường (Điều 54) dẫn đến việc đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường của lực lượng Công an hạn chế hiệu quả.

– Việc áp dụng quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý trong lĩnh vực giao thông, lĩnh vực khai thác khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn về kho, bãi, âu thuyền do điều kiện bảo đảm để tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; chi phí cho việc bảo quản gặp khó khăn, chưa có nguồn để thanh quyết toán.

– Hiện nay, công tác XLVPHC trong lĩnh vực TTATGT chưa có phần mềm để theo dõi và kết nối công tác xử phạt vi phạm với công tác đăng ký xe và chưa kết nối giữa Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, nên một số trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản tạm giữ Giấy đăng ký xe, nhưng người vi phạm đã lợi dụng sơ hở để xin cấp lại Giấy đăng ký xe, gây khó khăn cho công tác theo dõi, phân tích, thống kê tình hình VPHC về TTATGT.

– Các biện pháp khắc phục hậu quả khi có vi phạm hành chính xảy ra khó thực hiện; một số đối tượng vi phạm chưa nghiên chỉnh chấp hành quyết định xử phạt; đặt biệt là những trường hợp bị áp dụng hình thức phạt tiền còn tình trạng nộp phạt chậm, thậm chí cố tình không chịu nộp phạt; công tác thực hiện cưỡng chế thi hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn vì đối tượng không có tài khoản cá nhân, nơi ở không ổn định, điều kiện kinhh tế khó khăn, không có nghề nghiệp và thu nhập, tài sản của các đối tượng vi phạm cũng không có giá trị để kê biên.

– Về biện pháp tạm giữ người vi phạm hành chính theo quy định là quá ngắn nên không đủ thời gian để xác minh, có tái phạm hoặc vi phạm các lĩnh vực cần giám định tang vật để có căn cứ ra quyết định xử phạt.

* Để thi hành pháp luật về XLVPHC đạt hiệu quả, đề nghị cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

– Đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về XLVPHC nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống vi phạm hành chính, góp phần giữ vững ANTT, ATXH, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN. Xem xét, điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm có tính phổ biến và có chiều hướng gia tăng để bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn, nhất là trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quản lý nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

– Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng CA trong thực hiện quản lý các đối tượng thuộc diện GDTXPTT theo quy định của Luật XLVPHC; trong lập hồ sơ, ra quyết định đưa người vào Trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhằm ổn định tốt tình hình ANTT ở địa phương.

– Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, địa phương trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính qua đó giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ về tư tưởng, ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ được giao thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

– Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành địa phương trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật về xử  lý vi phạm hành chính của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; phối hợp chặt chẽ trong các công tác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, quản lý, giáo dục đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính…

– Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản nhằm khắc phục những tồn, tại hạn chế cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. 

– Coi trọng công tác sơ, tổng kết công tác thi hành pháp luật về XLVPHC theo định kỳ để đánh giá tình hình, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, qua đó đề xuất các cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn…

 – Tổ chức có hiệu quả công tác tập huấn nghiệp vụ và các văn bản pháp luật có liên quan cho các cán bộ được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính, quản lý hồ sơ xử lý vi phạm hành chính; định kỳ thành lập các đoàn để thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đánh giá chấp hành pháp luật trong việc xử lý VPHC của các cấp, các ngành, kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

– Tăng cường đầu tư các trang, thiết bị phục vụ cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là đầu tư công nghệ thông tin trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm cũng như công tác quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thanh Đạt