Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý “pháo hoa nổ” trong nội địa

126
Đánh giá bài viết

Pháp luật hiện hành chỉ có quy định về “pháo nổ” và “pháo hoa”. Vừa qua, TANDTC đã có công văn số 340/TANDTC-PC hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa.

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/04/2009 của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo thì:

“3. Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ.

Ảnh minh họa.

4. Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ”.

Tại điểm a mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25-12-2008 của Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì: “Pháo nổ” (không phân biệt xuất xứ hoặc nơi sản xuất) là loại sản phẩm bên trong có chứa thuốc pháo và khi có yếu tố ngoại lực tác động thì gây tiếng nổ”.

Pháp luật hiện hành chỉ có quy định về “pháo nổ” và “pháo hoa”, không có quy định về “pháo hoa nổ”. Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hay pháo hoa.

– Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý về hình sự, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có các đặc tính khác (như tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc việc xử lý đối với trường hợp này được thực hiện như hướng dẫn tại Công văn số 91/TANDTC-PC ngày 28/4/2017 của TAND tối cao về xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa.

– Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa, không có các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì không xác định là hàng cấm và không xử lý về tội “tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 155 BLHS năm 1999.

Việc thực hiện theo hướng dẫn trên phải đảm bảo tính thống nhất và nghiêm túc để tránh bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan, sai, đặc biệt là trong dịp Tết 2018.

Tải Công văn tại đây

Thanh Đạt