“Tội bạo loạn” quy định tại Điều 112 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

5998
Đánh giá bài viết

Điều 112 BLHS năm 2015 được xây dựng trên cơ sở Điều 82 BLHS năm 1999 và có những điểm mới sau: Bổ sung cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này. Đây là hành vi của tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83 của BLHS năm 1999 được chuyển vào Điều 112. Bổ sung khoản 3 quy định hình phạt áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội với hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù, các quy định khác được giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999.

 

Ảnh minh họa.

 

Tội phạm này xâm hại đến quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng đó là quan hệ xã hội liên quan đến sự tồn vong, vững mạnh của chính quyền nhân dân, của chế độ xã hội chủ nghĩa, của nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội.

Hành vi khách quan của cấu thành tội bạo loạn là một trong các hành vi sau đây:

– Hoạt động vũ trang là hành vi tập hợp đông người có trang bị vũ khí và dùng vũ lực công khai tấn công cơ quan nhà nước như Ủy ban nhân dân, cơ quan Công an, doanh trại Quân đội…, bắn giết cán bộ, nhân dân…

– Dùng bạo lực có tổ chức là hành vi lôi kéo, tụ tập nhiều người không có vũ trang hoặc có nhưng không đáng kể tiến hành các hoạt động mít tinh, biểu tình, đập phá tài sản,…nhằm chống lại chính quyền nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân. Thực tế cho thấy, hành vi phạm tội này thường dựa vào số đông người, gồm các đối tượng phản động chống phá, cơ hội chính trị và số quần chúng chậm tiến để kích động, tập hợp quần chúng tổ chức mít tinh, biểu tình, hô khẩu hiệu, xúc phạm cơ quan nhà nước, chống chính quyền, bao vây, chiếm giữ, đạp phá trụ sở, đã kích cán bộ.

– Cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi cướp, đốt phá, hủy hoại tài sản nhằm gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, gây rối trật tự trị an với mục đích chống chính quyền nhân dân. Đây là hành vi chuyển sang từ tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83 của BLHS năm 1999, nên trên thực tế, hành vi này thường xảy ra ở những vùng hiểm yếu như rừng núi, bưng biền…và mức độ gây thiệt hại về tài sản nhỏ hơn, hạn chế hơn hành vi phá hủy tài sản của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 113 BLHS năm 2015.

Tội bạo loạn có thể được thực hiện bằng một hoặc cả ba hành vi nêu trên.

Tội bạo loạn thường được thực hiện dưới hình thức đồng phạm, đặc biệt có thể có tổ chức. Trong đó có người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, có người giữ vai trò xúi giục, giúp sức hoặc thực hành.

Tội bạo loạn khác tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ở chỗ người phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền có thể hoạt động thành lập tổ chức hoặc tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, còn ở tội bạo loạn, người phạm tội hoạt động vũ trang, dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản với mục đích chống lại chính quyền nhân dân, làm suy yếu, lật đổ chính quyền nhân dân.

Tội bạo loạn có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Tội bạo loạn được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích phạm tội là chống chính quyền nhân dân, cụ thể là nhằm gây rối về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Điều 112 BLHS năm 2015 quy định 3 khung hình phạt chính căn cứ vào vai trò của người phạm tội:

– Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người phạm tội là người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

– Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội là người đồng phạm khác.

– Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này.

Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 112 BLHS năm 2015, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm lưu trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Điều 112. Tội bạo loạn

Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

Tiêu Dao