“Tội cản trở giao thông đường bộ” Điều 261 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có nhiều sửa đổi, bổ sung so với Điều 203 BLHS năm 1999.

6469
Đánh giá bài viết

Điều 261 BLHS năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung như: Quy định cụ thể hơn các hành vi phạm tội là hành vi cản trở giao thông đường bộ chứ không còn quy định “hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ” chung chung như Điều 203 BLHS năm 1999.

Ảnh minh họa.

– Khách thể của tội phạm này là an toàn giao thông đường bộ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là Công trình giao thông đường bộ. Công trình giao thông đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.

– Chủ thể của tội phạm này là những người đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS.

– Mặt khách quan của tội phạm: Cản trở giao thông đường bộ là hành vi đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao thông cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe và tài sản của người khác.

Người phạm tội này, có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau: đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao thông cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ.

Điều 261 BLHS năm 2015 so với Điều 203 BLHS năm 1999 thì quy định nhiều hành vi khách quan cụ thể hơn như: “đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao thông cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ”tại Khoản 1;  bỏ quy định “hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ” để tránh những trường hợp vận dụng không đúng tinh thần điều luật.

Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 261 BLHS năm 2015.

– Mặt chủ quan của tội phạm: Người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường bộ là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý cẩu thả), nhưng chủ yếu là vô ý vì quá tự tin. Người phạm tội cản trở giao thông đường bộ có thể vì động cơ khác nhau nhưng không có mục đích phạm tội vì lỗi của người phạm tội là do vô ý.

– Điều 261 BLHS năm 2015 quy định những khung hình phạt sau:

+ Khung 1: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

So với khoản 1 Điều 203 BLHS năm 1999 thì quy định tại khoản 1 Điều 261 BLHS năm 2015 mức phạt nặng hơn: mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng (trước đây mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng); mức phạt tù từ 06 tháng (trước đây 03 tháng). Và cụ thể dấu hiệu hậu quả như sau: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

+ Khung 2: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu có một trong các tình tiết tăng nặng mà luật quy định.

So với khoản 2 Điều 203 BLHS năm 1999 chỉ quy định hai trường hợp phạm tội là: “Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm” và “gây hậu quả rất nghiêm trọng” thì tại khoản 2 Điều 261 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa thành các tình tiết định khung hình phạt cụ thể: Tại các đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm; Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Tại Điểm a Khoản 2 Điều 261 BLHS năm 2015 thêm tình tiết ”đường cao tốc” so với Điểm a Khoản 2 Điều 203 BLHS năm 1999.

+ Khung 3: Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Khoản 2 Điều 203 BLHS năm 1999 chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”,  thì tại Khoản 3 Điều 261 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa thành các tình tiết định khung hình phạt cụ thể: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

+ Khung 4: Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ

1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;

b) Làm chết 02 người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

 

Tiêu Dao