Tội danh mới đã được bổ sung vào BLHS năm 2015 Điều 219 “ Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”

10303
Đánh giá bài viết

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tài sản nhà nước được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng. Quá trình quản lí, sử dụng tài sản của nhà nước phải đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm. Hành vi vi phạm có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội, gây thất thoát lãng phí đối với tài sản nhà nước cần thiết phải xử lí bằng biện pháp hình sự.

 

Ảnh minh họa.

 

– Chủ thể của tội phạm: Người phạm tội là người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, có NLTNHS và đạt độ tuổi luật định.

– Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm chế độ quản lí nhà nước đối với việc quản lí, sử dụng tài sản nhà nước.

– Mặt khách quan của tội phạm thể hiện như sau:

Người phạm tội có hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Hành vi này có thể là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước như: mua sắm tài sản nhà nước vượt quá tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quản lí, sử dụng tài sản nhà nước; hoặc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; hoặc không sử dụng tài sản của nhà nước dưới mưa nắng dẫn đến bị hư hỏng nặng gây thất thoát, lãng phí…

Hành vi nói trên bị coi là tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí đối với tài sản nhà nước từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc tài sản bị thất thoát, lãng phí tuy dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

Điều 219 quy định các khung hình phạt sau:

Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Người phạm tội có thể bị tù từ 03 năm đến 12 năm nếu phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:

+ Vì vụ lợi;

+ Có tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

+ Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng .

Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm  nếu phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

“Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d)Gây thiệt hại về tài sảntừ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tộigây thiệt hại về tài sản1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

 

Tiêu Dao