Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

674
Đánh giá bài viết

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là tội danh mới được quy định tại Điều 154 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

 

Ảnh minh họa.

 

Tội này được xếp vào chương tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Mà trực tiếp đối tượng tác động ở đây là mô và bộ phận cơ thể của con người.

”Mô” của con người là tập hợp tế bào chuyên hóa có cấu tạo giống nhau đảm bảo chức năng nhất định. Cơ thể con người nhìn chung có bốn mô đó là: mô biểu bì, mô liên kết, mô cơ và mô thần kinh.

“Bộ phận cơ thể” là tập hợp tất cả những cơ quan của cơ thể con người.

Hành vi thực hiện tội mua bán chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người bao gồm có hai hành vi chính là mua bán và chiếm đoạt hoặc vừa mua bán vừa chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể của con người.

Người phạm tội trực tiếp tác động vào cơ thể của nạn nhân nhằm chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể của con người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người hoặc không tác động trực tiếp nhưng lại tiến hành mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể đó thì sẽ bị truy cứu về tội mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Người phạm tội tiến hành mua bán chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người một cách cố ý. Người phạm tội thấy trước được hành động của mình sẽ là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện, biết hậu quả xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra.

Cũng giống như tội phạm khác chủ thể thực hiện tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, chủ thể thực hiện tội này không phải là chủ thể đặc biệt. Chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Hình phạt của tội mua bán chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người:

 

Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì mục đích thương mại;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Đối với 06 người trở lên;

d) Gây chết người;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Theo Kiểm sát online