Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới

2182
Đánh giá bài viết

 

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, cùng với sự phát triển của các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng quản lý trại giam (Trại tạm giam) được thành lập ở cả ba miền đất nước để quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo số người phản cách mạng và tội phạm hình sự. Trước yêu cầu công tác giam giữ người có hành vi phạm tội bị bắt và để thực hiện thống nhất các quy định đối với người phạm tội bị giam giữ, ngày 07/11/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh  số 150/SL về tổ chức các Trại giam (trong đó có Trại tạm giam).

Trải qua 68 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát Trại tạm giam đã luôn thể hiện tinh thần chiến đấu quả cảm, không ngại khó khăn gian khổ; thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an và trực tiếp là của Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình. Lực lượng Cảnh sát Trại tạm giam phát huy vai trò nòng cốt trong công tác quản lý giam giữ can phạm nhân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị bảo vệ tuyệt đối an toàn Trại tạm giam trong mọi tình huống.

Sự ra đời của lực lượng Cảnh sát Trại Tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình gắn liền với sự ra đời, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình. Tháng 08/1945 Tỉnh bộ Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền, Công an tỉnh Quảng Bình tiếp quản trụ sở Trại giam của địch để giam giữ bọn phản động và bọn tội phạm khác. Năm 1946 thực dân Pháp gây chiến ở Nam Bộ, Trại giam Công an tỉnh Quảng Bình (tiền thân của Trại tạm giam) phải sơ tán lên chiến khu miền Tây tỉnh Quảng Bình ở xã Đồng Hoá, huyện Tuyên Hoá. Năm 1954 tỉnh Quảng Bình được giải phóng, lực lượng Cảnh sát trại giam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý giam giữ người phạm tội và bọn phản động.        

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Quảng Bình là địa bàn tuyến lửa của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vì vậy, cuộc đấu tranh của dân tộc ta chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chống gián điệp biệt kích diễn ra rất quyết liệt. Trong thời gian nay, Trại giam Công an tỉnh Quảng Bình phải thực hiện phương án di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo an toàn giam giữ. Năm 1973 trại giam Công an tỉnh di chuyển về đóng tại phường Đồng Sơn, Đồng Hới và tháng 6/1976 sát nhập với Trại giam Thừa Phủ, tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1989 Quảng Bình trở về địa giới cũ. Trại Tạm giam Công an tỉnh được tái lập xây dựng trên địa bàn phường Đồng Phú, Đồng Hới; tháng 8/2000 chuyển đến địa bàn xã Lộc Ninh, Đồng Hới và tháng 8/2012 chuyển đến xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch cho đến nay, cơ sở vật chất hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, giam giữ can phạm nhân, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự trong tình hình mới.

Kế thừa và phát huy truyền thống của Đảng, của Dân tộc, của lực lượng Công an nhân dân. Trong những ngày đầu mới thành lập điều kiện, cơ sở vật chất của Trại tạm giam gặp nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ chiến sĩ thiếu, nhưng lực lượng Cảnh sát Trại tạm giam đã cố gắng vượt bậc về mọi mặt, chủ động khắc phục mọi khó khăn để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý giam giữ can phạm nhân, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo can phạm nhân.      

Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, an ninh chính trị được giữ vững. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Quảng Bình vẫn là một trong những tỉnh nghèo trong cả nước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Mặt trái của cơ chế thị trường đã có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, làm cho tình hình hoạt động của tội phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn biến phức tạp, nguy hiểm về tính chất, hành vi phạm tội, cá biệt có nhiều vụ phạm tội với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Từ đó, tình hình tội phạm bị bắt vào giam giữ tại Trại tạm giam ngày càng đa dạng, nguy hiểm nghiêm trọng; đặc biệt là các đối tượng giết người, đối tượng phạm tội an ninh quốc gia, phạm tội có tổ chức, thường xuyên có tư tưởng trốn, thông cung, tự sát, tiêu cực, đối tượng phạm tội giết người có biểu hiện tâm thần, đối tượng lên cơn nghiện ma túy (Do sử dụng ma túy trước khi bị bắt), nhiễm HIV/AIDS; đối tượng phạm tội là nữ, các đối tượng phạm các tội về ma túy có số lượng lớn nên thường tỏ ra lo lắng, hoang mang…. gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ.  Từ năm 1989 đến nay Trại tạm giam đã tiếp nhận, quản lý giam giữ an toàn gần 11 ngàn đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, 10 đối tượng có án tử hình, nhiều đối có mức án chung thân, có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, có biểu hiện thần kinh không bình thường và nỗi lên số đối tượng phạm các tội về ma túy (trong đó, trước năm 1998 không có đối tượng phạm tội về ma tuý bị bắt vào Trại tạm giam, đến năm 2006 bắt 34 đối tượng, trong đó có 01 vụ 08 đối tượng thu giữ 199 bánh Hêrôin, tháng 10/2018 bắt 01 đối tượng vận chuyển trái phép hơn 300 kg ma túy đá). Các đối tượng trên khi bị bắt vào Trại thường biểu hiện tư tưởng chống đối, vi phạm nội quy, tự sát, tìm cách thông cung, trốn trại gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ; đặc biệt có nhiều đối tượng bị bắt vào trại luôn tìm cách chống, phá, trốn Trại. Trong đó, lực lượng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Trại tạm giam đã tổ chức truy bắt nhiều đối tượng phá buồng giam bỏ trốn, như: đối tượng Ngô Trí Danh, án 18 năm, bắt tại thành phố Vinh – Nghệ An; đối tượng Phạm Hoa Hồng, án 13 năm, bắt tại thành phố Đồng Hới; đối tượng Võ Văn Phin, Võ Văn Thống và Trần Minh Tâm, án từ 5 – 7 năm bắt tại Phước Long – Sông Bé; đối tượng Mai Thái Học, Nguyễn Văn Trí, Cao Xuân Trường, phạm tội rất nghiêm trọng, đã phối hợp cung cấp thông tin cho lực lượng Công an nước bạn Lào bắt giữ, dẫn độ về nước; đặc biệt đối tượng Cao Ngọc Huyền, án tử hình, lực lượng Cảnh sát Trại tạm giam phải tốn nhiều công sức, áp dụng nhiều biện pháp sau 02 tháng mới bắt lại được tại rừng Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Từ tình hình phức tạp nói trên, để quản lý an toàn các đối tượng phạm tội bị bắt vào Trại tạm giam. Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị đã luôn chủ động đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững nguyên tắc, quy trình công tác và quy định pháp luật về quản lý, giam giữ; đồng thời chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với công tác quan hệ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ can phạm, bảo vệ an toàn Trại tạm giam, phòng ngừa ngăn chặn việc can phạm nhân thông cung, tự sát, trốn trại, suy kiệt chết trong trại và các tiêu cực…, phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, trong đó 5 năm qua Trại tạm giam đã phối hợp với Cơ quan điều tra đấu tranh, khai thác mở rộng  28 vụ án. Ngoài ra, Trại tạm giam còn đảm nhận nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân chấp hành án hình sự đúng quy định của pháp luật. Đã kết hợp việc tổ chức cho phạm nhân học tập đường lối chính sách, những quan điểm đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục đạo đức công dân, nội quy, quy chế Trại với việc giáo dục cá biệt làm cho phạm nhân hiểu được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội từ đó ổn định tư tưởng, thành thật khai báo tội lỗi của mình và đồng bọn, phấn đấu cải tạo tốt. Tổ chức định hướng, dạy nghề cho phạm nhân một số nghề phổ thông giúp họ khi hết án ra trại tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội và thực hiện đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với can phạm nhân, thực hiện tốt các quy chế dân chủ trong giam giữ, nhất là đảm bảo quyền và nghĩa vụ của can phạm nhân được pháp luật quy định.

Quá trình phấn đấu, xây dựng và trưởng thành Trại tạm giam trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, cán bộ, chiến sĩ luôn vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, luôn được sự quan lãnh chỉ đạo của Bộ Công an, của Lãnh đạo Công an tỉnh và sự giúp của Đảng bộ chính quyền các Ngành, các Cấp và nhân dân địa phương, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam phấn đấu phát triển hoàn thiện, trưởng thành về mọi mặt. Trong công tác, chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, gắn bó với công tác quản lý giam giữ. Biên chế tổ chức của Trại Tạm giam ngày càng được bổ sung, củng cố cả về chất lượng, lẫn số lượng. Năm 1989 khi mới tái lập xây dựng quân số của đơn vị chỉ có 12 đồng chí, được biên chế thành 2 Đội công tác, không có cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng; chỉ có 40% cán bộ có trình độ trung cấp. Đến nay quân số của Đơn vị có trên 70 đồng chí, được biên chế thành 05 Đội công tác; trình độ nghiệp vụ của cán bộ, chiến sỹ ngày càng được nâng cao; số cán bộ, chiến sĩ trong biên chế có trình độ thạc sỹ chiếm 11%; trình độ đại học, cao đẳng chiếm 36%; trình độ trung cấp chiếm trên 50%, trong đó có nhiều đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp, trung cấp; nhiều đồng chí công tác lâu năm trong lĩnh vực giam giữ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Hàng năm, đơn vị đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến, đơn vị quyết thắng; đảng bộ, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh; tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ ngày càng vững mạnh, tiên tiến xuất sắc. Nhiều cá nhân được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, trong đó: từ 2014 – 2018, tập thể được tặng 04 Bằng khen, 07 giấy khen; cá nhân được các cấp tặng 14 Bằng khen, 49 giấy khen và nhiều đồng chí công nhận chiến sỷ thi đua cơ sở; đạt thành tích cao trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, bắn súng quân dụng…; 78 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ luôn đạt tiêu chuẩn về rèn luyện thể lực, luyện tập điều lệnh, quân sự vũ thuật. Đặc biệt phong trào học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh luôn được gắn kết thường xuyên với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo vệ an toàn Trại, phong trào thi đua “Vì an ninh tổ quốc” và thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách Người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Trong những năm tới, Quảng Bình sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và những thuận lợi về địa lý, giao thông, sự vững mạnh của hệ thống chính trị… Với các chủ trương đúng đắn về thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh… Tuy nhiên, đồng thời với quá trình phát triển kinh tế sẽ đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, dân cư sẽ tập trung vào các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch…nhưng cũng là điều kiện để thâm nhập lối sống ngoại lai, dễ phát sinh các loại dạng tội phạm mới và tệ nạn xã hội, nhất là có thể là nơi thuận lợi cho các băng nhóm tội phạm từ địa phương khác tới hoạt động hoặc ẩn náu. Từ đó kéo theo tình hình tội phạm bị bắt vào Trại tạm giam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, tính chất nguy hiểm…Những đòi hỏi đó đặt ra nhiệm vụ quản lý, giam giữ can phạm nhân vô cùng quan trọng đối với lực lượng Cảnh sát Trại tạm giam.

Phát huy truyền thống 68 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình thực hiện có hiệu quả các nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất: Mỗi một cán bộ chiến sĩ cảnh sát Trại tạm giam phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, nêu cao ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, đổi mới về tư duy, nâng cao nhận thức nghiệp vụ, nắm vững các biện pháp nghiệp vụ về công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo can phạm nhân và tầm quan trọng của công tác này đối với sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, tiếp tục nêu cao tinh thần: “Đổi mới, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”. Từ đó cán bộ, chiến sỹ không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi kinh nghiệm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thứ hai: Đảng ủy, Chỉ huy Đơn vị, chỉ huy các Đội nghiệp vụ phải thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Tập trung giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, lập trường quan điểm, tinh thần, ý thức phục vụ nhân, ý chí tấn công tội phạm. Đưa việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI, khóa XII) về công tác xây dựng Đảng thành nếp nghĩ, nếp làm, thực sự trở thành thiết thực vào cuộc sống, công tác của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng phong cách Người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Thứ ba: Thông qua các mặt công tác Công an, trọng tâm là công tác nghiệp vụ cơ bản, trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý giam giữ, cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam kịp thời rút kinh nghiệm, phát hiện những sơ sở, thiếu sót trong quá trình quản lý giam giữ can phạm nhân thời gian qua để chủ động đề ra kế hoạch, chương trình công tác phù hợp, phát huy hiệu quả chuyên môn, quản lý chặt chẽ can phạm nhân bảo vệ Trại tạm giam an toàn.

Thứ tư: Tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo, đổi mới các biện pháp, hình thức quản lý, giáo dục can phạm nhân phù hợp với tình hình thực tiễn. Chú trọng chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng can phạm nhân, chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi trốn trại, tự sát hoặc tiêu cực khác, không để xảy ra đột biến xấu làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Thứ năm: Tiếp tục xây dựng lực lượng, xây dựng Đơn vị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình thật sự trong sạch, đoàn kết, vững mạnh. Kiện toàn công tác cán bộ, bố trí sắp xếp cán bộ, chiến sỹ hợp lý, phát huy năng lực, sở trường công tác, cải tiến phương pháp làm việc, đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ chiến sĩ; tăng cường rèn luyện phấn đấu thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân; các quy định về văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sỹ; chấp hành nghiêm túc những điều cấm cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân không được làm; thực hiện các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các mặt công tác có liên quan đến nhân dân, nêu cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”.

Thứ sáu: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao định kỳ tổ chức việc sơ kết, đánh giá tổng kết các chuyên đề nhằm rút ra những mặt mạnh, khắc phục những tồn tại hạn chế. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng điển hình tiên tiến nhằm khuyến khích cán bộ, chiến sĩ có động lực lập thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu; đồng thời cũng nghiêm minh kiểm điểm, phê bình hoặc xử lý những cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác, vi phạm kỷ luật, pháp luật, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch vững mạnh. Xây dựng lực lượng Cảnh sát Trại tạm giam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác quản lý giam giữ trong tình hình mới.

Trung tá, Ths Trần Đình Kỷ                          

Đội trưởng, Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình