Trở về miền ký ức

288
Đánh giá bài viết

                                

Cách đây 44 năm, ngày 30/4 năm ấy, cả dân tộc cùng ca khúc khải hoàn. Non sông liền một dãi.  Với niềm tự hào Chiến thắng 30/4, mỗi CBCS Công an Quảng Bình có thêm bản lĩnh, niềm tin để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Ban biên tập Trang thông tin điện tử xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết: “Trở về miền ký ức”.

 

Bảo tàng Công an tỉnh Quảng Bình, nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, những bức ảnh về hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất của dân tộc. Mỗi hiện vật ở đây đều gắn với câu chuyện hào hùng, ý chí sắt đá của lớp lớp lực lượng Công an Quảng Bình đã không tiếc máu xương vì sự bình yên hôm nay. Và trong suối nguồn xúc động ấy, chúng tôi bắt gặp ngọn đèn biển. Đây là kỷ vật mà các đồng chí Công an xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đã dùng để làm tín hiệu dẫn đường cho thuyền, xe qua lại các mục tiêu trọng điểm giặc Mỹ thường ném bom bắn phá nhằm đảm bảo mạch máu giao thông phục vụ cho tiền tuyến. Những tài liệu phản động, áo dù cùng các vật dụng khác của gián điệp biệt kích Mỹ- Ngụy cũng được lưu giữ tại đây. Như một minh chứng cho sự dũng cảm, mưu trí của lực lượng Công an Quảng Bình khi bắt toán gián điệp “cọp rừng Quân khu 3” năm 1970 hay đấu tranh với gián điệp và tay sai trà trộn vào đối tượng P86 cuối năm 1968…

 

Ngọn đèn biển được lưu giữ tại Bảo tàng Công an tỉnh.
CBCS Công an Quảng Bình xúc động khi xem lại những kỷ vật lịch sử.

 

 

Từ những chiến công đó để góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hưởng ứng phong trào “Tất cả vì tiền tuyến lớn”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cùng với hơn 11.000 cán bộ Công an đã tình nguyện vào miền Nam chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Công an Quảng Bình đã tuyển chọn cán bộ chiến sỹ lên đường làm nhiệm vụ ở các tỉnh phía Nam phục vụ kịp thời công tác an ninh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và ổn định tình hình sau giải phóng. Các cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam lúc đó đã góp phần vào xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng nổi dậy. Bảo vệ căn cứ cách mạng, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp của địch, phục vụ hiệu quả các chiến dịch quân sự. Làm thất bại kế hoạch dồn dân, lập ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Ngày 31/3/1975, Công an tỉnh Quảng Bình chi viện cho an ninh vũ trang miền Nam 218 đồng chí.  Ngày 4/4/1975, chi viện cho B19  94 đồng chí trong đó có 13 sỹ quan, 81 hạ sỹ quan, chiến sỹ. Ngày 5/5/1975, chi viện cho B2 và B22 157 đồng chí. Ngày 3/6/1975, chi viện cho E600 63 đồng chí phục vụ bảo vệ cơ quan đầu não cho ta. Ngày 13/10/1975, chi viện cho An ninh khu V và Quảng Ngãi 2 đài 15W và 2 báo vụ.  Đã có biết bao cán bộ Công an chi viện hy sinh, bị địch bắt, bị thương tật, bị nhiễm chất độc da cam trong suốt những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, sáng tạo. Những chiến công của các CBCS Công an nói chung, Công an Quảng Bình nói riêng đã góp phần vào chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Bên cạnh những hiện vật – thể khối, Bảo tàng Công an tỉnh còn lưu giữ khá nhiều trang tài liệu, những bức ảnh. Một trong số đó là bức ảnh đồng chí Hoàng Hữu Nờ cùng cán bộ, chiến sĩ của đồn 64 đã trực tiếp chiến đấu 700 trận, vật lộn trong bom đạn, đồng chí Nờ và đồng đội đã cứu được hàng trăm tấn hàng khi gặp bom bốc cháy, hướng dẫn bảo vệ an toàn 54.000 đoàn xe hoạt động đi lại trên tuyến Trường Sơn. Những lúc người dân gặp khó khăn, đồng chí Nờ và anh em trong đơn vị đã tự nguyện cắt khẩu phần ăn để giúp dân…  Và hình ảnh đồng chí Hồ Bá Thọ- Phó phòng Cảnh sát nhân dân phụ trách công tác an toàn giao thông đã cùng lãnh đạo phòng khảo sát nghiên cứu kỹ các địa bàn để bố trí sắp xếp các trạm và lực lượng cảnh sát giao thông cho phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ trật tự giao thông trong mọi tình huống, do đó tất cả 47 điểm cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh Quảng Bình, lực lượng Cảnh sát giao thông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có lẽ, những CBCS Công an Quảng Bình hôm nay và mai sau sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đồng chí Hồ Bá Thọ, tay bế cháu bé, vai vác hành lý đồ đạc của đồng bào qua bến đò Trúc Ly ở Võ Ninh (Quảng Ninh). Đặc biệt là khi đồng chí còng lưng làm thang cho các cháu bé lên xuống xe ô tô và lấy thân mình che chở cho các cháu bé khi máy bay địch ném bom bắn phá vào địa bàn sơ tán… Gương sáng đồng chí Huỳnh Kim Trung viết đơn bằng máu xin được vào tuyến lửa Quảng Bình làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT khu vực bến phà Sông Gianh. Anh đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận. Đêm ngày 20/8/1972 máy bay Mỹ ném bom thôn Thuận Bài, xã Quảng Thiện, huyện Quảng Trạch, nhiều nhà dân bị cháy, nhà mẹ Troòng để nhiều hòm đạn của bộ đội đang bốc cháy dữ dội, đồng chí lao vào vác đạn, một số thùng đạn 37ly bắt đầu nổ, lửa cháy mỗi lúc một lớn, cho đến thùng đạn thứ 50 là thùng đạn cuối cùng đang bốc cháy thì quả đạn 85ly nổ ngay trên vai đồng chí, mẹ Troòng chết tại chỗ, đồng chí Trung bị thương nặng và hy sinh. Đồng chí Nguyễn Bá Chưng, Cảnh sát giao thông Trạm phà Xuân Sơn, làm nhiệm vụ bảo vệ ATGT trên các trục đường chiến lược miền Tây- Quảng Bình đã nhiều lần vượt bom đạn để cứu bộ đội bị thương, mai táng các đồng chí đã hy sinh, hướng dẫn, chỉ huy giao thông. Ngày 31/8/1968 có 3 xe ôtô chở các em nhỏ của K8 Vĩnh Linh sơ tán đi qua bị máy bay Mỹ ném bom, đồng chí đã bình tĩnh hướng dẫn đoàn vào nơi trú ẩn, nhưng một đoàn xe khác bị trúng đạn, đang bốc cháy. Bất chấp lửa đạn, đồng chí lao vào đưa từng em nhỏ xuống các hào trú ẩn, sau đó tiếp tục chở lại mặt đường để phân tán xe, lại một loạt bom nổ hất tung ra vệ đường và hy sinh khi miệng đang ngậm còi.

 

 

Những con người vĩ đại mà chúng tôi được nhìn thấy, được nghe kể, dù chỉ qua những bức ảnh tư liệu cũng đã phần nào giúp chúng tôi hiểu được chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, vì nhân dân phục vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của lớp thế hệ cha anh đi trước. Dù sao, những giá trị tinh thần đích thực, khách quan, giàu ý nghĩa nhân văn, lịch sử, tính thời đại và minh triết của nó thì vẫn luôn hồi quang, thức tỉnh tâm hồn, nhân cách và lẽ sống cho chúng ta hôm nay cùng các thế hệ mai sau.

 

Đồng chí Hồ Bá Thọ cùng đội tuần tra đảm bảo an toàn giao thông bảo vệ tài sản của Nhà nước và tính mạng của nhân dân (Đồng chí Hồ Bá Thọ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 25/8/1970).
Các Chiến sỹ Đồn CAND số 84 kịp thời tháo gỡ bom bi, bom nổ chậm, đảm bảo mạch máu giao thông.

 

Trước những hiện vật, tư liệu sinh động phản ánh chân thực về cuộc chiến của những thế hệ cha anh đi trước- các cán bộ, chiến sĩ trẻ Công an Quảng Bình không khỏi xúc động trước sự vượt khó, không quản gian khổ, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì bình yên cuộc sống của các thế hệ đi trước. Bởi chiến tranh đã lùi xa nhưng sẽ không bao giờ chúng ta được phép quên sự khốc liệt của nó. Giữ để yêu, để trân trọng hy sinh, mất mát, tri ân đối với những người đang mang trong mình thương tích chiến tranh và những người đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.

Trở về miền ký ức để nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và trân trọng những giá trị của nền hòa bình, độc lập. Những người lính anh hùng và chiến công, thành tích của họ. Tất cả đã làm nên thời khắc lịch sử 30-4-1975. Để minh chứng một điều rằng: Lực lượng Công an Quảng Bình đã có một thế hệ như thế- lớp người cách đây 44 năm đã làm nên những điều kỳ diệu. Với chúng tôi –CBCS Công an Quảng Bình hôm nay thì những chiêm nghiệm về thời khắc lịch sử là một độ lùi cần thiết để mỗi người suy ngẫm về những gì mình đã và đang cống hiến.

 

N.O