Tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước

263
Đánh giá bài viết

Cách đây 70 năm (11-6-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc là sự thể hiện sinh động và sâu sắc tư tưởng của Người về lòng yêu nước. Trong bối cảnh đất nước lúc đó, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thôi thúc hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia kháng chiến, thi đua lao động sản xuất. Trong công cuộc CNH-HĐH đất nước ta hiện nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn còn nguyên giá trị và là chuẩn mực cho sự phát triển phong trào thi đua yêu nước mới.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Ảnh: Tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, coi đó là một trong các biện pháp quan trọng của quá trình vận động cách mạng. Tư tưởng bao trùm trong vận động thi đua của Người đó là tính giản dị, cụ thể, dễ hiểu, gần gũi với đông đảo quần chúng nhân dân. Theo Người, thi đua chính là những công việc hàng ngày nhưng phải nâng cao năng suất, chất lượng để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất. Thi đua là phải lâu dài, phải sát hợp với từng đối tượng, từng nơi, từng lúc, không được nóng vội rồi bỏ ngang.

Công tác thi đua khen thưởng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn sẽ tạo chỗ dựa, làm cơ sở cho phong trào thi đua phát triển đúng hướng, làm cho thi đua thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, trở thành động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Thi đua phải có phương hướng, mục tiêu, chuẩn mực cụ thể. Nội dung, mục tiêu, biện pháp thi đua phải đơn giản, thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của từng người, từng đơn vị…

Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua lần thứ IV, năm 1966. Ảnh: Tư liệu

Khi phát động phong trào thi đua yêu nước, bên cạnh việc chú trọng đến lợi ích chung, lợi ích dân tộc còn phải chú ý, coi trọng lợi ích cá nhân (cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần). Việc coi trọng lợi ích cá nhân chính là động lực cho phong trào thi đua phát triển.

Công tác thi đua khen thưởng thực chất là công tác vận động quần chúng, tạo động lực cho sự phát triển, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng và là một hình thức vận động quần chúng hiệu quả nhất. Tính hiệu quả của công tác này phụ thuộc vào nội dung chính trị, tư tưởng và tính vật chất của nó. Chọn nội dung thi đua thích hợp, khen thưởng xứng đáng với người lập được thành tích tốt trong thi đua sẽ thúc đẩy được đông đảo quần chúng tham gia.

Vấn đề cần chú trọng trong công tác thi đua chính là phải tạo được sự thống nhất hợp lý giữa thi đua và khen thưởng, tức là thưởng phạt nghiêm minh, có công thì được thưởng, mắc lỗi thì bị phạt, khen thưởng phải có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương.

Để duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua phải quan tâm bồi dưỡng, nêu gương các điển hình tiên tiến, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến, phổ biến và áp dụng những sáng kiến, kinh nghiệm có giá trị vào thực tiễn.

Hưởng ứng và quán triệt sâu sắc lời dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, lực lượng Công an nói chung và Công an Quảng Bình nói riêng đã làm tốt vai trò tham mưu trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội qua từng thời kỳ cách mạng. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng Công an nhân dân đều nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần tận tụy, sẵn sàng xả thân vì nước, lấy lợi ích của Tổ quốc và nhân dân làm lý tưởng, mục tiêu cao nhất để phấn đấu, đem hết sức lực, tài trí và cả tính mạng của mình để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lực lượng Công an đã và đang có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” gắn với các phong trào cách mạng của Đảng, Nhà nước và của lực lượng Công an, trong đó có phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” là một phong trào thi đua xuyết suốt trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều mô hình, cách làm hay trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được phát động và thực hiện thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể khẳng định rằng, những thành tựu, chiến công của lực lượng Công an Quảng Bình trong thời gian qua đã gắn liền với phong trào thi đua của toàn lực lượng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Trong công cuộc CNH-HĐH đất nước hiện nay với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thì vai trò và ý nghĩa của thi đua ái quốc lại càng trở nên quan trọng hơn, nó góp phần phát huy truyền thống cần cù lao động, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của dân tộc, sớm hoàn thành được mục tiêu: đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Ngô Quang Văn