“Tuýt còi” 124 văn bản trái luật trong năm 2016

45
Đánh giá bài viết

Trong báo cáo vừa gửi tới Chính phủ, Bộ Tư pháp cho biết, năm 2016 Bộ này đã phát hiện 124 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, tuy nhiên không có văn bản nào là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Tình trạng chép lại nội dung của luật, pháp lệnh đã được khắc phục.

Bộ Tư pháp kịp thời tuýt còi quy định trái luật về đổi giấy phép lái xe của Bộ Giao thông vận tải.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa ký văn bản báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2016, nhiệm vụ năm 2017.

Theo đó, năm 2016, Bộ Tư pháp đã thẩm định 151 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; cho ý kiến thẩm định, đề nghị không quy định hoặc xem xét về tính hợp pháp, hợp lý của 678/783 thủ tục hành chính, trong đó đề xuất không cần thiết ban hành 141 thủ tục hành chính, đề nghị sửa đổi 537 thủ tục hành chính.

Kiểm tra trên 3.000 văn bản của các bộ ngành, địa phương, Bộ Tư pháp bước đầu phát hiện 124 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, tuy nhiên không có văn bản nào là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

Trong số các văn bản bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” trong năm 2016, được chú ý nhất là Thông tư số 58/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc người dân đổi giấy phép lái xe (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ bìa giấy sang vật liệu PET vì “không có cơ sở pháp lý, không đảm bảo tính thống nhất”, “tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân“.

Qua kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp nhận thấy chất lượng của văn bản quy định chi tiết đã từng bước được nâng lên; tình trạng chép lại nội dung của luật, pháp lệnh đã được khắc phục.

Tuy vậy còn nhiều dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như Luật biểu tình, Luật ban hành quyết định hành chính, Luật quốc phòng (sửa đổi), Luật chứng thực, Luật về máu và tế bào gốc, Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật Công an xã. Có dự án thuộc Chương trình năm 2017 phải xin lùi thời hạn trình như Luật cạnh tranh (sửa đổi), Luật bảo vệ bí mật nhà nước, mặc dù Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 vừa được Quốc hội thông qua và mới được triển khai.

“Việc tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản trong một số trường hợp chưa nghiêm. Có văn bản soạn thảo, ban hành không theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam). Có dự án luật vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định vừa gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân; trình Chính phủ cho ý kiến mặc dù chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp”- Bộ Tư pháp nêu rõ.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật tuy đã được kiện toàn một bước song vẫn còn hạn chế về số lượng, thiếu tính chuyên nghiệp. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng văn bản ở một số nơi còn chưa nghiêm. Một số trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm các quy định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về tăng cường công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết như yêu cầu về việc trình dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo dự án luật, pháp lệnh, nếu có nội dung giao quy định chi tiết.

Tình trạng luật, pháp lệnh đã được ban hành nhưng các cơ quan vẫn lúng túng trong việc rà soát, lập danh mục văn bản quy định chi tiết, dự kiến phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, xác định thời hạn xây dựng, trình ban hành văn bản,…

Chính vì thế, Bộ Tư pháp kiến nghị trong năm 2017 phải kiểm điểm, có hình thức xử lý trách nhiệm thích hợp đối với cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm ban hành, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản không bảo đảm chất lượng.

(Báo Dân trí).