Vì nước quên thân, vì dân phục vụ là lẽ sống của lực lượng Công an nhân dân

7533
Đánh giá bài viết

1. Dân tộc Việt Nam sinh cơ lập nghiệp trên một vùng đất có vị trí chiến lược hết sức đặc biệt. Đây là nơi giao thoa của nhiều luồng văn hóa, nhiều nền văn minh. Tính chất giao tiếp của địa bàn đã cho chúng ta được thừa hưởng một di sản văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú. Kế tiếp nhau, các cộng đồng cư dân với những truyền thống lịch sử và văn hóa rất khác nhau đã chọn dải đất hình chữ S làm nơi sinh tụ. Không có mấy Quốc gia trên thế giới, với diện tích hơn ba mươi vạn cây số vuông mà có tới 54 dân tộc cùng nhau sinh sống.

Đặc điểm đa văn hóa, đa tộc người đi kèm với hiện tượng đa tôn giáo. Có thể nói Việt Nam là nước thuộc loại những quốc gia có nhiều tôn giáo nhất thế giới. Hầu hết các tôn giáo phổ biến như đạo Thiên chúa, Tin lành, Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Đạo giáo, Khổng giáo…đều có tín đồ ở Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn là nơi sinh ra một số tôn giáo mới như Cao Đài, Hòa Hảo…

Trong bối cảnh trên thế giới xung đột sắc tộc và tôn giáo ngày càng gia tăng và đang trở thành hiểm họa vô cùng nan giải, để có được cuộc sống bình yên cho nhân dân ở một nước quan hệ dân tộc và tôn giáo đan xen chằng chéo như nước ta là điều hoàn toàn không đơn giản.

Vị trí chiến lược còn khiến Việt Nam trở thành đối tượng nhòm ngó của nhiều thế lực, nhất là những nước có tham vọng bành trướng, bá quyền. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, đất nước ta chẳng mấy khi được yên bình, dân tộc ta luôn phải đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trở thành chân lý bất hủ và để bảo vệ chân lý ấy biết bao thế hệ người Việt Nam đã phải hy sinh xương máu.

Có một điều đặc biệt khiến Việt Nam được các dân tộc trên thế giới ngưỡng mộ và khâm phục là trong hầu hết các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chúng ta luôn phải đương đầu với những kẻ thù hung hãn và hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Cũng từ đây, nghệ thuật chiến tranh nhân dân được hình thành và ngày càng phát triển. Thực tế lịch sử chỉ ra rằng, một khi sức mạnh vô địch của dân tộc được khơi dậy và phát huy thì chúng ta có thể đánh thắng mọi đạo quân xâm lược, dù chúng có mạnh đến đâu và dân tộc Việt Nam có thể vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dù cho trong hoàn cảnh hết sức hiểm nghèo.

Nhưng lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những sai lầm của những người cầm quyền, khi họ không biết dựa vào dân và hệ lụy tất yếu là để mất nước. Những khúc quanh bi thương của lịch sử như thời Minh thuộc thế kỷ XV hay việc Triều Nguyễn để mất độc lập vào tay chủ nghĩa thực dân cuối thế kỷ XIX có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa nhất, căn bản nhất là do dân tộc bị chia rẽ, chính quyền mất lòng dân nên không còn sức kháng cự ngoại xâm dẫn tới thất bại.

2. Lực lượng Công an nhân dân (CAND) ra đời trong khói lửa cách mạng và không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cùng đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Không phải ngẫu nhiên mà một lực lượng ra đời với chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội, lại được gắn vào tên gọi hai chữ Nhân dân. Được chính thức thành lập ngay sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công gắn với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng trên thực tế lực lượng tiền thân của CAND đã hình thành và xả thân chiến đấu ngay từ những ngày đầu của các phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khi ấy mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân tộc và Nhân dân ta là giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Dưới nhiều hình thức hoạt động khác nhau, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an đã dũng cảm chiến đấu hy sinh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung đó. Vì nước quên thân là ý thức, là trách nhiệm là niềm vinh dự, tự hào được hình thành ngay từ những năm tháng đầu tiên, từ các bậc tiền bối của lực lượng CAND.

Trải qua hơn 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, phẩm chất sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì bình yên và hạnh phúc của Nhân dân ngày càng được truôi rèn và trở thành máu thịt của người chiến sĩ công an, thành thuộc tính trong công tác, chiến đấu của lực lượng CAND.

Như đã nói ở trên, hoạt động trong một quốc gia đa dân tộc, nhiều tôn giáo và phải thường xuyên đối phó với các thế lực thù địch giàu mạnh về vật chất, xảo quyệt về thủ đoạn và dã tâm trong hành động, lực lượng CAND phải dựa vào dân và coi đó là một nguyên tắc cơ bản và là yếu tố quyết định thắng lợi. Thực tế lịch sử chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND đã cho thấy hầu hết các chiến công oanh liệt của các chiến sĩ Công an đều có dấu ấn là sự giúp đỡ, thương yêu, đùm bọc, che chở của nhân dân. Không chỉ là tai mắt, nhân dân còn trực tiếp tham gia với nhiều vai trò khác nhau trong các chuyên án. Ở những tình thế hiểm nghèo nhất, nhân dân chính là người che chở, bảo vệ lực lượng Công an, giúp đỡ lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ những bài học trong thực tiễn công tác, chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm quý giá, có thể thấy động cơ, mục đích “Vì nhân dân phục vụ” không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra, được nhân dân nuôi nấng, đùm bọc mà là lẽ sống còn của người chiến sĩ CAND. Không có sự hậu thuẫn, chở che, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng CAND không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Chính vì những điều đã nêu trên, cuộc vận động “Công an nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vì nước quên thân, vì dân phục vụ” không chỉ mang ý nghĩa phát động phong trào hành động mà sâu xa hơn thế, nó mang tầm chiến lược đối với sự phát triển của lực lượng CAND trong tình hình mới.

Qua phong trào, cuộc vận động này cần phải làm cho từng cán bộ, chiến sĩ Công an nhận thức sâu sắc rằng, đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của sự nghiệp xây dựng và phát triển lực lượng CAND và là phẩm chất hàng đầu của người chiến sĩ Công an Việt Nam anh hùng. Muốn vậy, cuộc vận động có tầm chiến lược này không thể chỉ dừng lại ở hình thức tuyên truyền, vận động với các hoạt động mang tính cổ động  phong trào mà phải đi vào thực chất, đi vào chiều sâu trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ Công an. Theo đó, cần có cả một chương trình bồi dưỡng có hệ thống và kế hoạch rèn luyện để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an hiểu sâu sắc và tự giác biến thành tâm nguyện, hành động cụ thể với những nội dung nền tảng của phẩm chất cao quý ấy.

Thứ nhất, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, Tổ quốc lên hàng đầu phải là nguyên tắc tối thượng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, dường như các quốc gia, dân tộc đang có xu hướng xích lại gần nhau. Điều đó đúng nhưng hoàn toàn không có nghĩa ranh giới Quốc gia bị xóa nhòa, lợi ích dân tộc bị xem nhẹ. Chính lúc này, lợi ích quốc gia, dân tộc cần phải được bảo vệ nghiêm cẩn hơn bao giờ hết. “Vì nước quên thân” trước hết cần được hiểu là coi lợi ích quốc gia, dân tộc là thiêng liêng và sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ bằng mọi giá.

Thứ hai, đại đoàn kết là nguồn gốc, là nền tảng sức mạnh của dân tộc Việt nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. CAND phải là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp giữ gìn và phát triển khối đại đoàn kết của một quốc gia dân tộc và đa tôn giáo. Trong bối cảnh xung đột tôn giáo và sắc tộc trên thế giới cực kỳ phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng hiện nay, lực lượng CAND phải toàn tâm, toàn ý bảo vệ, củng cố và đập tan mọi âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết. Đây chính là biểu hiện sinh động nhất của ý thức “Vì dân phục vụ”.

Thứ ba, bên cạnh việc không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng và ngày càng hoàn thiện văn hóa ứng xử  là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để rèn luyện tác phong, quân phong, quân kỷ, nâng cao năng lực toàn diện của cán bộ chiến sỹ CAND. Văn hóa ứng xử ở đây không đơn giản chỉ là giao tiếp có văn hóa đối với đồng chí, đồng đội và đối với nhân dân mà còn là nghệ thuật xử lý đúng đắn các mối quan hệ trên nền tảng TÂM, ĐỨC  và sự hiểu biết  kiến thức sâu sắc. Để thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ Công an phải có đủ năng lực và phẩm chất để giải quyết tốt nhất những quan hệ cơ bản mà Người đã chỉ ra.

Thứ tư, để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và phát huy cao độ phẩm chất “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, đòi hỏi đầu tiên đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân để có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, vượt qua mọi cám dỗ. Có một thực tế dễ nhận thấy là quyền lực, lợi ích vật chất là những ma lực dễ làm tha hóa con người, khiến người ta đánh mất dần những lý tưởng và phẩm chất cao quý. Cán bộ, chiến sĩ Công an cũng là những con người bằng xương, bằng thịt nên không chủ quan cho rằng cứ đứng trong hàng ngũ của lực lượng CAND thì có thể miễn nhiễm và “có sức đề kháng” đối với mọi cám dỗ. Hơn thế, nằm trong hệ thống cơ quan thực thi pháp luật, CAND còn là lực lượng có nhiều quyền hạn và có nhiều thế lực muốn lợi dụng, chi phối, tác động chuyển hóa. Sự vững vàng, bản lĩnh và luôn ý thức đầy đủ ý nghĩa sâu sắc trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân” cần được đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc vận động có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt này.

Thứ năm, về hình thức, CAND là một trong những lực lượng vũ trang nhân dân, một ngành đặc thù, nòng cốt, trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, nhưng xét tính chất nhiệm vụ, đây là lực lượng có tính chất liên ngành cao nhất. Hầu như không có lĩnh vực hoạt động xã hội nào thiếu vắng sự hiện diện của Công an. Chính vì vậy mà việc không ngừng học tập, rèn luyện để có bản lĩnh vững vàng, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, mở rộng hiểu biết toàn diện phải được coi là một yêu cầu hết sức quan trọng, giúp cho cán bộ, chiến sĩ CAND nâng tầm trong nhận thức và hành động “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”./.

 

 

                                                     TH  – Theo GS,TSKH Vũ Minh Giang

                                                             (Đại học Quốc gia Hà Nội)