Xác định hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính

47
Đánh giá bài viết

Việc xác định những hành vi được coi là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ kinh phí chống buôn lậu, gian lận thương mại và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định tại Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư07/2017/TT-BTC hướng dẫn Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả áp dụng trong lĩnh vực tài chính.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn việc xác định những hành vi được coi là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ kinh phí chống buôn lậu, gian lận thương mại và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định tại Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg.

Cụ thể, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan gồm: Khai báo và làm thủ tục không đúng thời hạn quy định khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế; không tái xuất, tái nhập phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đúng thời hạn quy định…

Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí gồm: Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, tăng số thuế được miễn, giảm nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ…

Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý giá là: Khai man, khai khống hồ sơ thanh toán để nhận tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước; hành vi sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng được sử dụng tiền trợ giá, tiền trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước…

Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán là: Tẩy xoá, sửa chữa chứng từ kế toán; giả mạo, khai man chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán mà không có thẩm quyền ký hoặc không được uỷ quyền ký…

Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm gồm: Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, kinh doanh môi giới bảo hiểm không có Giấy phép thành lập và hoạt động; sửa chữa, gian dối hoặc giả mạo các tài liệu đối với hồ sơ đã được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động…

Các hành vi gian lận thương mại trong việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn là: Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định; sử dụng hóa đơn bất hợp pháp…

Thông tư 07 có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2017.

Theo Chinhphu.vn