XÂY DỰNG BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ CAND TỪ NHẬN THỨC VỀ 6 ĐIỀU BÁC HỒ DẠY

4217
Đánh giá bài viết

Cách đây 70 năm, ngày 11/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam, đã để lại cho lực lượng CAND một Di sản vô cùng quý giá, đó là “Sáu lời dạy về tư cách người Công an cách mệnh”. Sáu điều Bác Hồ dạy là một huấn thị hoàn chỉnh, khoa học, có quan hệ nhân quả, điều trước là tiền đề của điều sau, điều sau bổ sung cho điều trước.

Hội thi “Thanh niên Công an Quảng Bình học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”

Nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy là sự khái quát hình mẫu người cán bộ, chiến sĩ CAND với những phẩm chất quan trọng: Có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, có ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; hết lòng vì nhân dân phục vụ, lấy niềm vui và hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình.

Trong lời dạy đầu tiên, Bác dặn người chiến sĩ Công an trước hết phải nghiêm khắc với tự mình, phải rèn luyện được 4 phẩm chất cao quý của con người mà trí tuệ nhân loại đã đúc kết đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính”; Cần là cần cù, sự cần cù lao động, say mê công việc; Kiệm vì tiết kiệm là một điều kiện tận dụng tốt thành quả lao động của con người; Liêm là liêm khiết, không tư lợi, không tìm cách để dành nhiều lợi ích cho mình; Chính là sống quang minh chính đại, không giả dối, thấy việc gì đúng thì làm, việc gì sai thì kiên quyết không làm.

Câu thứ hai, Bác dạy: Trong quan hệ với đồng sự, với đồng chí của mình thì phải có tinh thần thân ái, giúp đỡ, coi tiến bộ của người là tiến bộ của bản thân mình, đó là quan hệ giữa cái đức và cái tài trong quan hệ công tác giữa các đồng sự.

“Đối với chính phủ phải tuyệt đối trung thành”, nhiệm vụ của Công an là phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, trung thành với chính phủ là trọn vẹn, chu đáo và có trách nhiệm đối với những công việc mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó. Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sức mạnh của Đảng cũng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Bác đã dạy: “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền. Xây lâu đài thắng lợi trên nền nhân dân”. Và Công an muốn được dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ thì trước hết phải kính trọng, lễ phép với nhân dân đó là điều hiển nhiên. Bên cạnh sự kính trọng và lễ phép còn đòi hỏi con người Công an Cách mạng phải luôn tận tụy với công việc. Bác dạy: “Đối với công việc phải tận tụy”, tận tụy ở đây có nghĩa là hết lòng, hết sức, toàn tâm, toàn ý vì công việc mà Đảng và nhà nước giao phó, tận tụy với công việc là biểu thị của tinh thần “trung với nước, hiếu với dân”. “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”; đây là yêu cầu về tài năng, về sự quyết đoán, quả cảm của người chiến sĩ Công an khi đứng trước kẻ thù. Thật tuyệt vời khi điều dạy đầu tiên của Bác đối với lực lượng Công an nhân dân là cần kiệm và cuối cùng là khôn khéo. Cần kiệm là biểu hiện của “Đức”, khôn khéo là biểu hiện của “Tài”. Tài và Đức là hai chuẩn mực mà người cán bộ chiến sĩ Công an phấn đấu rèn luyện, là nền tảng của mọi thành công.

Chuẩn mực đạo đức của người Công an cách mạng luôn thống nhất với chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, công chức của Nhà nước, đồng thời thể hiện đặc điểm riêng của công tác Công an. CAND là lực lượng có nhiệm vụ cao cả, nặng nề là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân, chống các thế lực phản động, thù địch và các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nhiệm vụ đó không chỉ là bảo vệ mà còn có ý nghĩa xây dựng xã hội mới, tạo dựng đời sống xã hội tốt đẹp. Ở mỗi thời kỳ cách mạng, kể cả trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiệm vụ đó không hề giảm nhẹ, đòi hỏi người Công an cách mạng không ngừng nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Những chuẩn mực đạo đức đó của người Công an cách mạng cho đến nay vẫn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bền vững và sức lan tỏa đặc biệt không chỉ trong lực lượng CAND mà trong toàn hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên, công chức có thể soi vào nhiều điều trong Sáu điều dạy của Bác để học tập, rèn luyện và hành động.

Từ nhận thức về 6 điều Bác Hồ dạy CAND, đặc biệt là điều dạy “Đối với tự mình; phải cần, kiệm, liêm, chính”; với suy nghĩ của mình, tôi xin nêu một số giải pháp về công tác giáo dục nhằm xây dựng và nâng cao bản lĩnh chính trị theo 6 điều Bác Hồ dạy cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an trong tình hình mới như sau:

1- Phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND cho CBCS, nhất là lớp trẻ. Xây dựng bản lĩnh chính trị, nhân cách của một con người là một quá trình. Lời nói, việc làm, phép đối nhân xử lý…là những biểu hiện cụ thể về bản lĩnh chính trị, về phẩm chất đạo đức, lớn hơn nữa là biểu hiện cụ thể của lập trường, quan điểm. Vì vậy, công tác giáo dục phải kiên trì, không vội vả; phải tác động từ nhiều kênh, nhiều hướng, nhiều loại hình sinh hoạt khác nhau. Nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để CBCS có điều kiện thẩm thấu, làm chuyển biến nhận thức và hành động.

2- Cụ thể hóa Sáu điều Bác Hồ dạy thành những tiêu chí để CBCS phấn đấu, rèn luyện. Trong đó phải hết sức coi trọng điều dạy “Đối với tự mình”. Mục tiêu phải đạt được là biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục; làm cho mỗi CBCS ý thức được học tập, thực hiện Sáu điều Bác dạy là bổn phận, trách nhiệm, lương tâm của mỗi chiến sỹ Công an, từ đó mà tự giác thực hiện trong công tác, chiến đấu và trong sinh hoạt.

3- Phải tăng cường công tác quản lý cán bộ. Đặc biệt là công tác nhận xét, đánh giá cán bộ phải khách quan, chính xác. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu công việc, không nên từ con người mà bố trí việc. Trong công tác cán bộ, các chính sách liên quan đến lợi ích của CBCS phải công bằng, tránh những sự chênh lệch không đáng có, gây sự phân hóa trong lực lượng.

4- Tăng cường và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho CBCS. Lênin nói: “Người mù chữ thì nằm ngoài chính trị”. Người chiến sỹ muốn nhận thức được quan điểm, đường lối, chủ trương để xây dựng bản lĩnh, lòng trung thành…phải có một trình độ nhất định. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, thì yêu cầu về học tập, nâng cao năng lực, trình độ của người chiến sỹ Công an đặt ra đòi hỏi cao hơn bao giờ hết, mới đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hiện nay.

5- Chăm lo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị trong lực lượng, xem đây là yếu tố then chốt, quyết định sự thắng lợi trong việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND. Vừa đề cao hạt nhận lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, vừa giáo dục CBCS xây dựng ý thức toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân; đề cao tính kỷ luật, quân phong, quân kỷ, xử lý dứt điểm và nghiêm minh các biểu hiện tiêu cực, vi phạm để nâng cao tính giáo dục và phòng ngừa.

Phải giáo dục, trang bị nhận thức cho CBCS để sức đề kháng trước mọi sự tác động của xã hội. Đặc biệt là phát động phong trào trong CBCS, nhất là tuổi trẻ Công an tuyên chiến với chủ nghĩa cá nhân. Vì theo lời dạy của Bác, nói đến đạo đức là nói đến ba mối quan hệ của con người (Đối với người, đối với việc và đối với mình), trong đó đối với tự mình có ý nghĩa đặc biệt, tự mình tha hóa thì tất cả các mối quan hệ khác đều bị phá vỡ.

                                                     Đại tá Lê Xuân Thắng

                              Phó Trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị