Xây dựng người Cảnh sát Giao thông Công an Quảng Bình “Thân thiện, Bản lĩnh, Nhân văn, vì nhân dân phục vụ”

1119
Đánh giá bài viết

 

Quản lý trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là một nội dung quan trọng của quản lý hành chính nhà nước. Hoạt động này được Nhà nước trực tiếp giao cho lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) với nhiệm vụ chuyên biệt là người đại diện cho luật pháp, tổ chức tiến hành công tác quản lý TTATGT nhằm đảm bảo cho hoạt động giao thông trật tự, an toàn và thông suốt; chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, ngăn ngừa làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Công tác của Cảnh sát giao thông có những đặc thù riêng và không kém phần khó khăn, cam go, nguy hiểm, thường xuyên làm việc trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, chịu đựng nắng mưa, gió bụi, ô nhiễm khí hậu, môi trường. Đối tượng tiếp xúc của lực lượng Cảnh sát giao thông là những người tham gia giao thông đa dạng và phong phú về lứa tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội, khả năng nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.
Thực tế, có rất nhiều trường hợp coi thường, vi phạm pháp luật về TTATGT, gây hậu quả nghiêm trọng. Khi vi phạm, họ không tự giác nộp phạt mà thường tìm mọi cách trốn tránh, gây áp lực đối với CSGT. Mặc dù đã được tuyên truyền giải thích song trong nhận thức của nhiều người cho rằng việc xử phạt, hay tạm giữ giấy tờ, phương tiện vi phạm, hay tước giấy phép lái xe…của CSGT là phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn, động chạm tới quyền lợi kinh tế của họ, gây thiệt hại đến thu nhập mà không nhận thức được rằng đó là cách tốt nhất để giúp họ được an toàn về tính mạng, tài sản và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật khi tham gia giao thông.
Vì vậy, khi thi hành nhiệm vụ, CSGT thường xuyên phải đối mặt với những biểu hiện tâm lý phức tạp, nặng nề. Người vi phạm thường không bằng lòng với cách giải quyết của CSGT hoặc mua chuộc, hối lộ hay ngược lại là đe dọa, vin cớ gây áp lực… tạo nên “khí chất nóng” cho người thi hành công vụ, thậm chí còn có những lời đồn thổi sai sự thật, dị nghị về CSGT, đánh mất lòng tin trong nhân dân. Chỉ một lời nói, cử chỉ, hành động không đúng mực của CSGT dễ dàng trở thành những tiêu điểm để người vi phạm soi xét, xuyên tạc, bôi nhọ thậm chí còn chống đối gay gắt, gây khó khăn cho lực lượng CSGT. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra đối với lực lượng CSGT là cần nhận thức đúng và đầy đủ về văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của CSGT. Trên cơ sở đó tự rèn luyện, xây dựng cho mình phong cách thân thiện, bản lĩnh, nhân văn, chủ động, tự tin, bình tĩnh, sáng suốt trong xử lý thông tin. Xây dựng và từng bước hoàn thiện phương pháp ứng xử có văn hóa trong giao tiếp khi thi hành nhiệm vụ để vừa hoàn thành tốt công việc được giao, vừa hợp lòng dân, tạo niềm tin và sự đồng thuận, buộc đối tượng vi phạm phải tự nguyện, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT.

 

Xây dựng lực lượng CSGT ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ảnh V.H

Công an Quảng Bình nói chung, Lực lượng CSGT Công an Quảng Bình nói riêng là Công an của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Trong những năm qua, lực lượng CSGT Công an Quảng Bình đã nỗ lực quyết tâm trên các mặt công tác, xây dựng lực lượng CSGT ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được lãnh đạo Tỉnh Quảng Bình và lãnh đạo Công an tỉnh ghi nhận. Đã xuất hiện nhiều tấm gương liêm khiết, mưu trí, dũng cảm kiên quyết tấn công tội phạm, nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Có thể khẳng định, đại đa số cán bộ, chiến sỹ CSGT Công an Quảng Bình có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; trách nhiệm, tận tụy với công việc, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo TTATGT. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có cán bộ, chiến sỹ CSGT có biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu, vi phạm quy trình, quy chế công tác, vi phạm Điều lệnh CAND, làm ảnh hưởng đến uy tín lực lượng Công an. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do tính chất, đặc điểm môi trường công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ CSGT rất phức tạp; là người thực thi pháp luật, công tác độc lập, thường xuyên tiếp xúc với mặt trái của xã hội; tác động của mặt trái cơ chế thị trường; âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch…Một số đơn vị, địa phương chưa có biện pháp thực hiện phù hợp; chưa gắn việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực, xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, vững mạnh với thực hiện các cuộc vận động lớn và các phong trào thi đua yêu nước khác của đơn vị, địa phương. Công tác chính trị tư tưởng làm chưa thường xuyên, chưa coi trọng giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm, đặc điểm nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, giám sát, phát hiện sai phạm, giúp đỡ xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, vững mạnh. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông còn nhiều bất cập, thiếu biên chế, trình độ năng lực còn hạn chế; công tác kiểm tra trên thực địa vẫn là khâu yếu. Sai phạm của cán bộ, chiến sỹ chủ yếu do tố giác của nhân dân và báo chí, do thanh tra, kiểm tra phát hiện…

 

 

 

Lực lượng CSGT, Công an Quảng Bình xây dựng cho mình phong cách thân thiện, bản lĩnh, nhân văn, chủ động, tự tin, bình tĩnh, sáng suốt trong thực thi nhiệm vụ. Ảnh V.H

Xây dựng phong cách người CSGT Công an Quảng Bình “Thân thiện, bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” là cụ thể hóa triển khai Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và Chỉ thị số 07/CT-BCA-X11, ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”. “Thân thiện, bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” là hình ảnh và cũng là bản chất không thể thiếu đối với người CSGT Công an Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, kẻ thù luôn tập trung mũi nhọn khai thác, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của các cơ quan nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là những sơ hở, thiếu sót, sai phạm, tiêu cực của một số cán bộ, chiến sỹ CSGT để tấn công, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh người CAND, làm ảnh hưởng tới uy tín của CSGT nói riêng và của lực lượng CAND nói chung. Mặt khác, những tiêu cực xã hội, mặt trái nền kinh tế thị trường đã và đang tác động mạnh đến quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Phai nhạt lý tưởng cộng sản, xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giảm sút ý chí chiến đấu luôn là mối lo cần gột rửa ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Để có định hướng đúng trong rèn luyện, xây dựng người CSGT Quảng Bình “Thân thiện, bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, theo chúng tôi cần thực hiện có hiệu quả những nội dung sau:
  Một là, cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp về phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong các mặt hoạt động của lực lượng CSGT. Các cấp ủy và thủ trưởng các đơn vị cần trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về tình hình sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sỹ của đơn vị, địa phương mình quản lý. Đơn vị, địa phương nào chỉ đạo thiếu quyết liệt, kém hiệu quả để sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sỹ xảy ra nghiêm trọng hoặc có nhiều cán bộ, chiến sỹ sai phạm, báo chí, đơn thư phản ánh gây bức xúc trong dư luận thì phải xem xét xử lý trách nhiệm liên đới theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, nhất là kiểm tra đặc biệt nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót tồn tại; xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sỹ sai phạm, tiêu cực. Tăng cường công tác quản lý cán bộ thông qua chương trình, kế hoạch, lịch công tác; đồng thời gắn với công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình công tác, lễ tiết tác phong, giao tiếp ứng xử, điều lệnh CAND.
Ba là, mỗi cán bộ CSGT cần nhận thức đúng và đầy đủ về kỹ năng giao tiếp ứng xử có văn hóa của CSGT. Theo đó, chủ động xây dựng phương pháp để rèn luyện hoàn thiện nhân cách của CSGT. Trên cơ sở đặc điểm đối tượng quan hệ tiếp xúc, tính chất, nghề nghiệp, yêu cầu nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ CSGT cần ý thức được rằng, phải thường xuyên, liên tục, phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết về chính sách, pháp luật, nghiệp vụ, xã hội về mọi mặt đủ điều kiện để quan hệ, tiếp kiến giải quyết tốt những tình huống phát sinh trong thực thi nhiệm vụ, luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý thông tin khi tiếp xúc quan hệ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo và giữ vững lòng tin và sự tín nhiệm của nhân dân đối với CSGT.
Bốn là, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. CSGT cần thấy rõ vị thế to lớn của quần chúng nhân dân, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” – (Hồ Chí Minh). Vì vậy, hiệu quả hoạt động của CSGT thành hay bại đều lệ thuộc vào khả năng dân vận, trình độ quan hệ giao tiếp khi giải quyết công việc được giao. Với lẽ đó, thông qua hoạt động quan hệ tiếp xúc cần tạo  dựng được niềm tin trong nhân dân, thường xuyên củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Năm là, lực lượng CSGT cần thường xuyên nghiên cứu học tập, trau dồi kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức xã hội mọi mặt nhằm nâng cao trình độ năng lực hiểu biết, phẩm chất, phong cách, lối sống, sinh hoạt làm việc theo pháp luật. Kiến thức, phong cách làm việc tạo nền tảng chủ động, vững tin đối với CSGT khi tiếp xúc giải quyết công việc. Xây dựng, rèn luyện giữ vững bản lĩnh của người Công an Cách mạng, người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên có lối sống làm việc minh bạch, công khai, tôn trọng và tuân thủ pháp luật, kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan cách, thái độ cửa quyền hách dịch, xa rời quần chúng, những hành vi phản cảm công tác.
Sáu là, có chính sách hợp lý tạo điều kiện, khuyến khích, động viên, khen thưởng, kỷ luật rõ ràng, kịp thời, nghiêm minh, công khai hóa để cán bộ, chiến sĩ CSGT nhận thức và hành động, thực hiện có hiệu quả hoạt động này. Các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình tăng cường các hoạt động theo dõi giám sát, phát ngôn, đưa tin đúng, chính xác về những việc làm tốt và chưa tốt của CSGT trong giao tiếp ứng xử, kịp thời biểu dương những người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến. Đồng thời phê phán, lên án, đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc những việc làm sai gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Cảnh sát giao thông nói riêng, của lực lượng Công an nhân dân nói chung.
Bảy là, việc xây dựng người CSGT Quảng Bình “Thân thiện, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” cần gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước khác. Đặc biệt là Nghị quyết TW4 (Khóa XI, Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Xây dựng người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” với những hình thức, nội dung phù hợp, hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng lực lượng CSGT Quảng Bình ngày càng trong sạch, vững mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới./.

 

BBT